Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, đến thời điểm 31/12/2016 trên địa bàn toàn tỉnh có 230 HTX nông nghiệp. Hầu hết các HTX này đã thực hiện chuyển đổi hoạt động theo luật HTX năm 2012 nhằm đổi mới hình thức hoạt động, tăng cường các hoạt động dịch vụ cho các thành viên.
Nhưng, nhiều HTX chuyển đổi vẫn còn mang nặng hình thức, bất cập mà nhiều người vẫn thường ví là “Bình mới, rượu cũ”. Đã bắt đầu xuất hiện những HTX chuyên ngành, như: HTX Nấm (Yên Khánh, Yên Mô), HTX trang trại (Nho Quan, Yên Mô), chăn nuôi ( HTX Tân Tiến, Kim Sơn), sinh dược (Gia Viễn), HTX sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp (Khánh Thành, Yên Khánh)... 29 HTX chuyên ngành đã chủ động tìm kiếm thị trường, giải quyết tiêu thụ sản phẩm thông qua các hợp đồng liên doanh, liên kết, mang lại hiệu quả kinh tế và là động lực để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Như vậy, các HTX chuyên ngành là đầu mối cung cấp sản phẩm đủ lớn về số lượng, đồng đều về chất lượng, kịp thời về thời gian cho nhiều đối tác; giúp người nông dân, các thành viên trong HTX tiêu thụ hết với giá trị sản phẩm làm ra cao.
Trong các HTX, tổ hợp tác này, nông dân hoặc các thành viên liên kết ngang với nhau để cung cấp sản phẩm theo nhu cầu thị trường mới chỉ là một khía cạnh mà hoạt động cốt lõi là xây dựng được mối liên kết dọc giữa nông dân, các thành viên với doanh nghiệp.
Mối liên kết này về bản chất là xây dựng kênh tiêu thụ mới trong chuỗi giá trị thông qua loại bỏ bớt tác nhân trung gian giữa người sản xuất và doanh nghiệp, rút ngắn độ dài của kênh tiêu thụ. Nếu không có liên kết này, việc tổ chức sản xuất thông qua liên kết giữa người nông dân với nhau không đạt được lợi ích như mong muốn.
Trong mối quan hệ này, doanh nghiệp là người mua, nông dân là người bán sản phẩm; nhưng quan hệ mua bán này không phải là giao dịch mang tính thời vụ mà nó được thực hiện trên cơ sở các yếu tố liên kết hữu cơ giữa doanh nghiệp và nông dân.
Trên cơ sở liên kết ngang, sẽ có một lượng nông dân nhất định cùng tổ chức thực hiện sản xuất theo cánh đồng lớn, được bắt nguồn từ yêu cầu thị trường và là cơ sở để hình thành nên liên kết dọc với doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm, cung ứng, quản lý thương hiệu sản phẩm được doanh nghiệp.
Điểm cơ bản và cốt lõi của các mô hình sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp chính là xây dựng các mối liên kết giữa nông dân với nông dân và liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Tuy nhiên, để phát triển ổn định và bền vững còn có rất nhiều mắt xích trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản liên kết lại với nhau và hình thành lên mối liên kết “4 nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp.
Điều kiện “cần” cho mối liên kết này là: Sự nhận thức, chỉ đạo thống nhất của các cấp lãnh đạo từ chính phủ, các bộ ngành đến các địa phương; sự tuyên truyền, vận động, giải thích, nâng cao nhận thức của nông dân về lợi ích khi tham gia liên kết sản xuất; cần có nhà doanh nghiệp là hạt nhân và là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi liên kết với các doanh nhân có đủ tâm và tầm để tham gia vào mô hình liên kết; cần sự đóng góp công sức, trí tuệ, kinh nghiệm của các nhà khoa học.
Các điều kiện “đủ”, gồm: Phải có đủ diện tích sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí cánh đồng lớn; có đủ 4 nhà cùng thực hiện liên kết nhằm hỗ trợ cho việc thực hiện các hợp đồng sản xuất, trong đó, chủ yếu là nhà doanh nghiệp và nhà nông cùng thực hiện trong 1 dự án – có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của nhà nước và sự hỗ trợ ứng dụng của nhà khoa học.
Bên cạnh đó, phải có đủ máy móc, kho bãi phục vụ chăm sóc, thu hoạch phù hợp với quy mô diện tích, sản lượng của từng cánh đồng liên kết.
Theo baoninhbinh.org.vn
Dữ liệu đang được cập nhật
Truy cập: 741148
Trực tuyến: 82
Hôm nay: 799