Nông dân xã Gia Trung (Gia Viễn) gặt lúa ngoài đê Hoàng Long.
Đồng chí Đinh Anh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gia Viễn cho biết: Vụ này, diện tích lúa ngoài đê Hoàng Long của Gia Viễn trên 650 ha, chiếm khoảng 11% diện tích lúa đông xuân toàn huyện. Hầu hết các địa phương có diện tích lúa ngoài đê, nhiều vùng trũng được nông dân cấy bằng mạ dược.
Đây là vụ sản xuất chính (1 vụ) trong năm của huyện Gia Viễn, mang lại giá trị thu nhập cao cho bà con nông dân, nên toàn huyện cấy trong khung thời vụ tốt nhất. Vì thế vụ đông xuân này, nhất là diện tích lúa xuân sớm ngoài đê Hoàng Long, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, HTX nông nghiệp tranh thủ thời tiết, cấy trong khung thời vụ tốt nhất, chăm bón sớm nên lúa sinh trưởng, phát triển khá tốt. Nhiều xã, HTX tổ chức cho xã viên cấy đồng trà, để khi lúa chín đồng loạt đảm bảo đưa máy gặt xuống đồng thu hoạch nhanh gọn, hạn chế chuột cắn phá ở cuối vụ.
Bắt đầu từ ngày 10/5, nông dân các địa phương nơi đây đã bước vào thu hoạch nhanh gọn lúa đông xuân sớm ngoài đê. Điển hình là xã Gia Hưng, địa phương có diện tích lúa đông xuân sớm được cấy ngoài đê là 183 ha, chiếm 56% diện tích gieo cấy toàn xã. Đến nay, 2 HTX của xã Gia Hưng là HTX Đô Lương và HTX Hoa Tiên đã thu hoạch xong diện tích lúa ngoài đê. Sơ bộ đánh giá năng suất bình quân ước đạt 62 tạ/ha, tăng gần 4 tạ/ha so với vụ trước. Xã Gia Hưng dự kiến khoảng 25/5 sẽ tiến hành thu hoạch diện tích lúa trong đồng.
Trên các thửa ruộng lúa đã chín, không khí sôi nổi xuống đồng thu hoạch nhanh lúa ngoài đê ngay từ rất sớm. Chưa đến 8 giờ, nhiều hộ nông dân đã có lúa chở về nhà để phơi phóng. Những chân ruộng cao ráo, nền đất cứng hầu hết các gia đình đều thuê mượn máy gặt. Còn ở diện tích trũng, nước lội bì bõm thì huy động đổi công, tăng cường nhân lực thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa đã chín.
Vì nền đất ruộng trũng và cây lúa đổ rạp mặt ruộng nên không thể đưa máy gặt xuống được nên gia đình bác Nguyễn Văn Lung ở thôn Hoàng Long, xã Gia Trung thuê mượn thêm nhân lực về gặt tay diện tích lúa đã chín. Để gặt 5 mẫu lúa nếp đã chín, bác Lung phải huy động đến 11 người.
Bác Lung vui vẻ: Đây là diện tích cấy lúa gia đình đấu thầu ngoài đê. Vì vậy, khi lúa chín là phải gặt ngay. Phần đất bãi này ở giữa sông Hoàng Long nên đã xuống đồng là phải có lực lượng hùng hậu để đủ sức không chỉ "gặt tránh nắng", mà còn "gặt tránh lũ". Buổi sáng, cứ gặt ngả, gọn gồi, gọn đống phơi qua trưa cho ráo bông lúa. Buổi chiều, gia đình tăng cường thêm nhân lực, gặt hết phần diện tích, khi ấy mới kéo toàn bộ lúa đã gặt lên bờ, thuê máy tuốt ngay tại chân đê và chỉ mang thóc về nhà…
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện và nhận xét của một số nông dân, vụ đông xuân này, nhìn chung lúa ngoài đê của huyện Gia Viễn cho năng suất tốt, vượt trội hơn so với vụ trước. Một phần do thời tiết thuận lợi, lượng phù sa mầu mỡ bồi lắng nhiều, đồng thời sâu bệnh cũng ít hơn, cùng với đó, nhiều địa phương cấy diện tích lúa lai tăng hơn khoảng 15% so với vụ đông xuân năm trước.
Để bảo vệ diện tích lúa đã cấy, Ban quản trị ở các HTX đã đẩy mạnh tuyên truyền và huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia diệt chuột, đôn đốc quyết liệt để diệt chuột sớm ngay từ đầu mỗi vụ sản xuất. Đã có nhiều Ban quản trị HTX thành lập tổ diệt chuột. Tổ diệt chuột này ký cam kết với Ban quản trị đảm bảo diện tích lúa cấy của các xã viên không bị các đối tượng sâu bệnh, dịch hại cắn phá.
Lúa chín vàng, cho năng suất cao là động lực thôi thúc nông dân huy động nhân lực, máy móc thu hoạch nhanh gọn lúa ngoài đê. Đến ngày 16/5, huyện Gia Viễn đã thu hoạch khoảng 65% diện tích lúa ngoài đê, năng suất ước đạt 65 tạ/ha, cao hơn vụ trước khoảng 0,9 tạ/ha. Hiện nay, các xã Gia Hưng, Gia Phú, Gia Thịnh, Gia Trung đã cơ bản hoàn thành việc thu hoạch lúa ngoài đê. Dự kiến đến ngày 20/5, toàn huyện sẽ gặt xong toàn bộ diện tích lúa ngoài đê.
Theo Baoninhbinh.org.vn
Dữ liệu đang được cập nhật
Truy cập: 740857
Trực tuyến: 64
Hôm nay: 508