.
Thứ Hai, 23/12/2024

Hoa Lư chuyển trọng tâm sang chăm sóc và bảo vệ lúa mùa

Thứ Tư, 19/08/2020

Vụ mùa 2020, gia đình bà Đinh Thị Huệ, xã Ninh Khang (Hoa Lư) gieo cấy hơn 1 mẫu lúa; trong đó có gần 3 sào gieo cấy bằng giống lúa nếp cau.

Hoa Lư chuyển trọng tâm sang chăm sóc và bảo vệ lúa mùa

Nông dân xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư chăm sóc lúa mùa. Ảnh: Anh Tuấn

Bà Huệ cho biết: Đây là giống lúa đặc sản với đặc điểm cao cây; ít bị sâu bệnh, nhất là bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn; phù hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau; năng suất khá, chất lượng gạo ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng và đã được địa phương đưa vào cơ cấu giống của vụ mùa trong nhiều năm qua. Gia đình tôi đã bắt đầu gieo cấy lúa (gieo vãi) từ ngày 10/7 và hoàn thành trong ngày 12/7. Đến nay, lúa đã lên xanh được 2-3 lá, tôi đã dặm tỉa lại những chỗ bị khuyết, kết hợp với diệt ốc bươu vàng trong ruộng, đồng thời bón phân để lúa phát triển nhanh. 

Đang quây ni - lông chống chuột cho khu ruộng gần 2 sào của gia đình, ông Nguyễn Văn Sơn, HTX Hồng Phong (xã Ninh Hòa) cho biết: Thời điểm gieo cấy lúa, thời tiết nắng nóng gây bất lợi cho nông dân khi ra đồng, vì vậy các công việc đều thực hiện theo cách: Sáng đi sớm về sớm, chiều đi muộn về muộn. Thời gian tới cần tiếp tục theo dõi sát sao đồng ruộng, xử lý kịp thời tình trạng úng ngập, nhất là trong thời kỳ đầu khi lúa mới gieo cấy xong; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh và có giải pháp xử lý kịp thời. 

Hiện tại chuột đang là đối tượng gây hại lớn cho vụ mùa với mức độ gây hại lớn hơn vụ trước. HTX cũng đã tổ chức nhiều biện pháp đánh bắt, nhưng vẫn không xuể, khu ruộng của gia đình bị chuột cắn phá tơi tả. Ngoài ra, theo thông báo của cơ quan chuyên môn, rầy nâu, rầy lưng trắng đang có chiều hướng phát sinh, phát triển nhanh không chỉ trực tiếp phá hoại lúa mùa mà còn là tác nhân lây nhiễm bệnh lùn sọc đen, vốn là loại bệnh mới chưa có biện pháp phòng, chống hữu hiệu.   

Ông Vũ Văn Thông, Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Hoa Lư cho biết: Vụ mùa 2020, huyện Hoa Lư có kế hoạch gieo cấy gần 2.500 ha lúa, phấn đấu năng suất từ 55 tạ/ha trở lên. Trên cơ sở đặc điểm, tình hình của vụ mùa huyện Hoa Lư xác định: Tập trung đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất; gắn phát triển nông nghiệp với du lịch, dịch vụ; quan tâm mở rộng diện tích lúa chất lượng cao; tiếp tục hỗ trợ mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn; chú trọng chuyển đổi vùng cấy lúa năng suất thấp sang các cây trồng khác, hoặc cấy lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản... 

Đến ngày 15/7, cơ bản Hoa Lư đã gieo cấy xong diện tích lúa mùa  sớm hơn so với thời gian quy định 10 ngày và đang chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến cáo nhân dân chuyển trọng tâm sang khâu chăm sóc và bảo vệ lúa mùa. Điểm đáng chú ý trong vụ mùa này của huyện là sản xuất lúa chất lượng cao tiếp tục được mở rộng, với tổng diện tích là 1.957 ha, chiếm gần 78,2% tổng diện tích gieo cấy lúa. Lúa chất lượng cao bao gồm các giống Đài thơm 8, LT2, BC 15, nếp Hạt cau, nếp 97... được gieo cấy đồng giống, đồng trà trong các mô hình cánh đồng mẫu có quy mô từ 30-100 ha...

Ông Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cũng chia sẻ: Để đạt được kết quả tốt trong vụ lúa mùa cần chú ý bón đúng, bón đủ, bón cân đối phân và NPK cho từng giống lúa và phù hợp với từng chân đất. Mức bón thích hợp cho 1 sào là: 200-300 kg phân chuồng; 20 kg lân; 6-8 kg đạm; 5-7 kg kali; 15-20 kg vôi bột. Phương thức bón theo quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo đến các xã, HTX và thực hiện theo phương châm "Nặng đầu, nhẹ cuối". 

Đặc điểm của vụ mùa là có khung thời vụ nằm trọn trong thời kỳ mưa bão, nắng nóng... nên chịu ảnh hưởng rất lớn của điều kiện thời tiết khí hậu và sự phát sinh, phát triển của các đối tượng gây hại. Các đối tượng gây hại cần  quan tâm phòng trừ là: Sâu đục thân lúa 2 chấm, bệnh lùn sọc đen, ốc bươu vàng, rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ. Ngoài ra, sau mỗi đợt mưa dông, gió bão cần cảnh giác với bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn; bởi đây là loại bệnh khó phòng chống, ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa. 

Các xã, HTX tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo nhân dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nắm chắc tình hình sinh trưởng, phát triển của lúa, diễn biến của sâu bệnh trên đồng ruộng và tổ chức phòng chống kịp thời, hiệu quả theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Dữ liệu đang được cập nhật

Thông tin truy cập

Truy cập: 740979

Trực tuyến: 92

Hôm nay: 630