Trên cánh đồng Thành Đồn thuộc khu vực sản xuất của HTX Kiến Thái, các kỹ sư của Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang tích cực hướng dẫn bà con cách sử dụng chiếc máy cấy Kubota SPV-6CMD (Nhật Bản). Với chiếc máy này, trung bình mỗi ngày bà con có thể cấy từ 3 đến 4ha. Trước đó, khâu gieo mạ cũng được thực hiện bằng máy gieo mạ khay tự động, có công suất từ 400 – 800 khay mạ/giờ. Ông Đào Văn Tương- nông dân xã Khánh Trung phấn khởi cho biết: Nếu như trước kia, gieo mạ cho 1 sào lúa cấy, nông dân phải mất nửa ngày để tiến hành các công đoạn như: lấy bùn, gieo hạt, che phủ nilon và để cấy 1 sào lúa thì phải mất 1 ngày. Nhưng nay, với chiếc máy gieo mạ và máy cấy, sức lao động của người nông dân gần như được giải phóng. Đây thực sự là phương pháp có nhiều ưu việt và nếu được áp dụng rộng rãi trong thực tiễn thì đó là tin vui với người nông dân.
Kỹ sư Bùi Hữu Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Việc sử dụng máy cấy để thay thế cho biện pháp gieo cấy bằng tay là một tiến bộ mới và được áp dụng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình từ vụ đông xuân năm 2013. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện 3 mô hình gieo mạ khay và sử dụng máy cấy đẩy tay loại 4 hàng tại xã Xuân Thiện (Kim Sơn), xã Khánh Nhạc (Yên Khánh) và xã Ninh Khang (Hoa Lư). Qua theo dõi và đánh giá, mô hình bước đầu đã đem lại hiệu quả khá tốt, năng suất tương đương với lúa cấy tay, trong khi đó khâu gieo mạ đơn giản hơn nhiều. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, các điều kiện về cơ sở hạ tầng đồng ruộng cũng như các dịch vụ đồng bộ để việc ứng dụng công nghệ gieo mạ khay máy cấy chưa thực sự phù hợp nên việc nhân rộng còn nhiều hạn chế. Để giải quyết những hạn chế trong phương pháp gieo thẳng và từng bước áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong khâu gieo cấy, tạo cơ sở để từng bước áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, vụ đông xuân 2019 này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục thực hiện mô hình mạ khay, cấy máy tại HTX Kiến Thái với quy mô 2,5 ha. Đặc biệt, ngoài đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất, gieo mạ, cấy lúa, thu hoạch, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn hướng dẫn bà con cách áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, giúp quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa được tốt hơn, góp phần bảo vệ môi trường sản xuất, hướng tới sản xuất lúa gạo sạch, chất lượng. “Với cách làm này, chúng tôi hi vọng sẽ mở ra một cách làm mới, tiếp tục giảm chi phí sản xuất, sức lao động và nâng cao giá trị thu nhập cho người sản xuất, thay đổi tập quán trong quá trình canh tác lúa”- kỹ sư Bùi Hữu Ngọc nói.
Nông nghiệp hữu cơ là xu hướng phát triển bền vững trong sản xuất bởi ưu điểm như: bảo vệ môi trường sinh thái, an toàn cho sức khỏe con người. Năm 2018, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và PTNT, xã Khánh Trung đã thực hiện Dự án thí điểm sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao dài ngày theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi trồng thủy sản. Mô hình bước đầu đã cho hiệu quả cao về kinh tế. Ông Phạm Ngọc Duân, Chủ tịch UBND xã Khánh Trung cho biết: Tháng 6/2018, xã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ thí điểm mô hình sản xuất lúa hữu cơ đặc sản một vụ kết hợp với nuôi trồng thủy sản với quy mô 5 ha. Đã có 7 hộ nông dân tham gia, thực hiện cấy lúa nếp cau kết hợp với nuôi cá trạch, cá chép. Tổng kết vụ mùa, lúa nếp cau có năng suất trung bình đạt 44 - 46 tạ/ha. Đặc biệt, doanh nghiệp đã đặt hàng thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao gấp đôi lúa sản xuất theo phương thức truyền thống. Diện tích nuôi cá trạch, cá chép đều cho năng suất, sản lượng cao. Thời gian tới, ở những vùng có điều kiện, xã tiếp tục vận động bà con áp dụng để nhân rộng mô hình.
“Từ thành công của Dự án thí điểm sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao dài ngày theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi thủy sản là cơ sở để các đơn vị như: Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục hỗ trợ nông dân Khánh Trung thực hiện mô hình mạ khay, cấy máy tại HTX Kiến Thái. Cách làm này mở ra hướng đi mới, giúp Khánh Trung từng bước hình thành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích canh tác và thu nhập cho người dân, bảo đảm phát triển bền vững”- Chủ tịch UBND xã Khánh Trung cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo kỹ sư Bùi Hữu Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Để từng bước áp dụng quy trình sản xuất lúa an toàn theo hướng hữu cơ, cần đáp ứng những yêu cầu như: Có giải pháp về nguồn vốn đầu tư, bố trí mặt bằng cho việc tổ chức gieo mạ và chăm sóc mạ sau khi gieo; quy hoạch gọn vùng, trong một vùng cấy chỉ sử dụng một loại giống, chủ động tưới tiêu để chăm sóc và quản lý cỏ dại. Về lâu dài, cần thành lập các tổ hợp tác để tổ chức sản xuất mạ khay và cấy máy, cung cấp dịch vụ từ giống, gieo mạ, cấy và bàn giao ruộng cho người nông dân chăm sóc với mức chi phí hợp lý, đảm bảo lợi ích của cả người nông dân và đơn vị tổ chức cấy máy. Đây cũng chính là vấn đề đặt ra không chỉ đối với cấp ủy, chính quyền các địa phương, ngành chức năng mà cần sự đồng thuận của nông dân trong quy hoạch vùng cũng như tuân thủ các quy trình sản xuất lúa hữu cơ.
Theo Baoninhbinh.org.vn
Dữ liệu đang được cập nhật
Truy cập: 740997
Trực tuyến: 94
Hôm nay: 648