Ông Đinh Xuân Hùng (xóm 4, xã Kim Trung, huyện Kim Sơn) cho biết: “ở vùng này, mấy năm gần đây, hầu như nhà nào cũng nuôi cua, vì khác với con tôm, con cua rất ít bệnh, không mất trắng bao giờ, đã thả là có lãi. Tính ra chi phí nuôi 1 con cua (bao gồm cả tiền giống, thức ăn, điện) đến khi thu hoạch (200-300 g/con) chỉ vào khoảng 10 nghìn đồng mà bán được những 60-70 nghìn đồng/1con.
Còn với anh Mai Văn Lưu, cùng xóm thì đây là năm đầu tiên anh chuyển đổi hình thức nuôi cua từ quảng canh, nuôi xen, nuôi ghép, mật độ thưa sang nuôi thâm canh. Với 2 ao, tổng diện tích 7.000m2, số lượng thả 6 nghìn con cua giống, sau hơn 4 tháng anh đã thu hoạch được 7 tạ cua thương phẩm, nhưng hiện tại lượng cua trong vuông vẫn còn già nửa.
Anh Lưu bộc bạch: Nuôi cua nếu nắm vững được phương pháp thì thực tế không quá vất vả. Chỉ cần bờ bao chắc chắn, khâu thuốc cá phải triệt để bởi đối tượng lịch, cá tạp trong ao nuôi rất nhiều. Đây là đối tượng ăn cua con và cua lột.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý nên thả chà làm chỗ cho cua ẩn nấp. Tích cực cho ăn, không để cua đói ăn thịt nhau thì tỷ lệ sống cũng như sức sinh trưởng của cua đạt hiệu quả cao. “Vụ này với giá cua thương phẩm dao động từ 200-300 nghìn đồng/kg, gia đình tôi thu lãi trên dưới 200 triệu đồng”, anh Lưu cho biết.
Ông Phạm Văn Kiệm, Giám đốc HTX thủy sản Kim Trung cho biết: HTX hiện có khoảng 500 hộ nuôi cua, với tổng diện tích nuôi là 210 ha, trong đó chủ yếu là nuôi cua vụ 2. Thời gian vừa qua, nhờ hiểu rõ được đặc tính của con cua cũng như tuân thủ các quy trình về kỹ thuật nuôi như kiểm soát lượng nước, PH, phèn, kiềm... nên quá trình nuôi đem lại giá trị kinh tế khá ổn định. Trung bình 1 ha bà con thu lãi khoảng 200 triệu đồng.
Cua biển được xác định là một trong những loại thuỷ sản có giá trị, phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Vì thế, thời gian qua, các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là ngành chuyên môn đã có nhiều hỗ trợ về giống, vốn, khoa học kỹ thuật để khuyến khích người dân phát triển nuôi cua biển.
Đồng chí Phạm Văn Thùy, Phó Trạm trưởng Trạm thủy sản Kim Sơn – Yên Khánh, (Chi cục Thủy sản tỉnh), cho biết: Con cua xanh rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn.
Đây là một đối tượng nuôi khá dễ tính, khả năng thích ứng tốt, ít bệnh. Phổ thức ăn của nó tương đối rộng và có thể tận dụng được các nguồn thức ăn sẵn có ngoài tự nhiên như con ốc, con don, con dắt…, có thể nuôi ghép với các đối tượng nuôi khác. Hơn nữa, nuôi cua biển không cần đầu tư lớn, những hộ không có điều kiện cũng có thể nuôi được.
Đặc biệt, sản phẩm cua Ninh Bình được đánh giá có chất lượng ngon hơn hẳn so với cua của các tỉnh, thành phố trong khu vực, rất hấp dẫn người tiêu dùng.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là đa phần các hộ ở vùng này đều đang nuôi cua dưới hình thức quảng canh, năng suất thấp. Bên cạnh đó, tỉnh ta chưa chủ động được nguồn cua giống tại chỗ, phần nhiều phải nhập từ các tỉnh miền trong về nên chất lượng khó kiểm soát.
Do vậy, thời gian qua, để khuyến khích người dân mở rộng phát triển sản xuất cua biển, đáp ứng yêu cầu của thị trường, Chi cục Thủy sản thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cua cho bà con; hướng dẫn các hộ nuôi chuyển từ hình thức nuôi quảng canh, mật độ thấp sang nuôi thâm canh, ứng dụng các quy trình nuôi cua cải tiến để nâng sản lượng cua thương phẩm.
Xây dựng các mô hình điểm để bà con tham quan, học tập; khuyến khích các hộ cung ứng giống, sau khi lấy giống cua về thì ương dèo cua lên cỡ lớn hơn rồi mới cung cấp cho các hộ nuôi để tăng khả năng thích ứng của con cua với điều kiện tự nhiên trong vùng, tăng tỷ lệ sống cũng như khả năng sinh trưởng của cua. Vừa qua, đơn vị cũng có hỗ trợ cho 2 cơ sở thực hiện thí điểm việc sản xuất giống cua ngay trên địa bàn, kết quả thu được khá tốt.
Theo Baoninhbinh.org.vn
Dữ liệu đang được cập nhật
Truy cập: 741149
Trực tuyến: 79
Hôm nay: 800