.
Thứ Hai, 23/12/2024

Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đầu tiên ở Ninh Bình

Thứ Tư, 02/01/2019

Dưới chân núi Sắng, khu thung lũng Đá Hàn, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn mới hình thành một trang trại nông nghiệp độc đáo. Những con lợn Hương thuần chủng được ăn ngô, đậu tương; uống nước trà, tắm nước trà... và được thư giãn bằng những điệu nhạc du dương hòa cùng tiếng chim hót, suối reo, gió thổi. Bao quanh chuồng trại là những vườn cây thuốc Nam như gừng, tía tô, kinh giới, sả... vừa tạo cảnh quan đẹp mắt, vừa có tác dụng chống ruồi, muỗi, lại cũng là cây thuốc chữa bệnh cho đàn lợn, gà... tất cả nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu cao của thị trường.

Anh Nguyễn Văn Đình, người quản lý cho biết: Trang trại có tổng diện tích khoảng 12 ha, trong đó có 4 ha dùng để nuôi lợn, gà; 2 ha dùng để trồng rau, củ và 6 ha là vùng nguyên liệu dùng làm thức ăn cho lợn. Hiện có 30 lao động đang nuôi giống lợn Hương với 100 con nái, 400 con thịt và 300 con gà Rosa. Khu vực chăn nuôi có diện tích khoảng 4 ha, được ngăn thành 40 ô (mỗi ô nuôi từ 10-12 con lợn) với khu chuồng dành cho lợn từ 1-5 tháng tuổi; khu chuồng cho lợn từ 6-7 tháng tuổi; khu chuồng lợn bố, mẹ; khu chăn nuôi gà. 

Cùng với đó, trong trang trại cũng trồng các loại cây như: Ngô, đậu tương, hoa hồng, chè, cây dược liệu, rau củ quả... với tổng diện tích khoảng 8 ha, theo phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ (nông nghiệp hữu cơ là việc sản xuất nông nghiệp không dùng hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, hóa chất, hooc môn trong trồng trọt và chăn nuôi nhằm tránh biến đổi gen). 

Trang trại thực hiện theo chuỗi sản xuất khép kín: Ngô, đậu tương dùng chế biến thức ăn cho lợn, gà; chè làm nước uống và tắm cho lợn; cây dược liệu dùng để phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm... 

Chuồng lợn, gà được sử dụng đệm lót (trấu, mùn cưa có tưới chế phẩm EM) và cứ 6 tháng thay một lần; những chất đệm lót khi thay ra được sử dụng làm phân bón hữu cơ cho các cây trồng trong trang trại. Với phương thức chăn nuôi hữu cơ nên các sản phẩm thịt lợn, gà của trang trại đều có giá cao gấp 3 lần so với sản xuất thông thường. 

Do nuôi bằng phương pháp hữu cơ nên lợn tăng cân chậm, phải 7-8 tháng mới được xuất chuồng, tức thời gian nuôi gấp đôi lợn thường khi ăn cám công nghiệp. Lợn nuôi thông thường sau 4 tháng thì xuất chuồng và có trọng lượng 80-100 kg, còn lợn trà xanh thì 7-8 tháng mới xuất chuồng và có trọng lượng 35-55 kg. Nhưng bù lại giá thịt lợn trà xanh đắt gấp đôi thịt lợn thường. Ví dụ: Thịt ba chỉ, chân giò, nạc vai, sườn thăn giá 299.000 đồng/kg; tai 269.000 đồng/kg; đuôi 219.000 đồng/kg...

Chị Nguyễn Hồ Diệp Hà, Giám đốc Công ty TNHH V- Organic, tâm sự: Vốn là người yêu thích phương thức làm nông nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc, chị đã cùng với nhóm bạn đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn trà xanh nói trên. 

Chị sang Nhật Bản tìm hiểu trong các trang trại nuôi lợn ở tỉnh Shizouka, trung tâm sản xuất trà xanh của Nhật Bản và họ nuôi lợn bằng lá trà xanh, tắm nước trà xanh. Khi sang Hàn Quốc chị cũng thấy ở những vùng trồng trà lớn, lợn được cho ăn, uống nước trà xanh, lấy trà xanh đun nước rồi xịt tắm. Lợn được tắm trà xanh, da dẻ đỏ au, săn chắc, khỏe mạnh... Tâm đắc với cách làm của người Nhật Bản, Hàn Quốc, ý nghĩ đầu tư một trang trại nuôi lợn bằng trà xanh đã đến... chị đã nghỉ việc ở cơ quan, rủ một nhóm bạn chung chí hướng làm nông nghiệp hữu cơ và thành lập lên Công ty TNHH V-Organic. 

Gần một năm đi khảo sát nhiều vùng, họ chọn địa điểm lập trang trại dưới chân núi Sắng; nơi vẫn còn nguyên sơ với nguồn nước cùng với không khí rất sạch. Đặc biệt ở đây người dân trồng trà bạt ngàn, nhiều cây đã hơn 200 tuổi. Đó là điều kiện để chị Hà và nhóm bạn thực hiện giấc mơ về trang trại lợn trà xanh của mình. 

Chị cùng nhóm bạn lại đi tìm hiểu, nói chuyện với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi và cuối cùng quyết định chọn giống lợn Hương để làm giống bố-mẹ. Đây là giống lợn thuần chủng, da thịt chúng tiết ra mùi đặc trưng nên được người dân địa phương gọi là lợn Hương. Đầu năm 2016, họ lấy 50 con lợn về nuôi theo quy trình; nhưng có con bỏ ăn, con thì mắc bệnh đường ruột, chết mất 10 con. 

Chị Hà lại sang Nhật Bản lần nữa, mày mò học hỏi kinh nghiệm về áp dụng vào trang trại; 8 tháng sau, lứa lợn đầu tiên xuất chuồng, nhưng sản phẩm mới, lại đắt gấp đôi giá thịt lợn bình thường nên chẳng mấy người mua. Gần hai năm trời làm việc hầu như không có ngày nghỉ mà đến lúc này lại không có doanh thu; nản chí, 10 người trong nhóm đã bỏ cuộc. 

Tuy nhiên, chị Hà vẫn còn những người bạn chung chí hướng và kiên định để đi tiếp con đường khởi nghiệp. Họ mang từng miếng thịt đi mời người thân, bạn bè dùng thử; tận dụng mọi cơ hội để làm truyền thông. Rồi mọi chuyện cũng tốt dần lên... và sản phẩm của trang trại, của Công ty đã có mặt và được tiêu thụ mạnh ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Vũng Tàu. 

Mục tiêu của doanh nghiệp tại Ninh Bình là: Xây dựng vùng nguyên liệu quy mô 100 ha và xây dựng nhà máy chế biến thức ăn hữu cơ tại địa bàn; đưa trang trại trở thành trang trại đạt tiêu chuẩn hữu cơ đầu tiên ở Việt Nam; đào tạo nông dân trong vùng, hình thành một cộng đồng vùng nông nghiệp tự nhiên không sử dụng hóa chất.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Dữ liệu đang được cập nhật

Thông tin truy cập

Truy cập: 740806

Trực tuyến: 8

Hôm nay: 457