.
Thứ Hai, 23/12/2024

Nho Quan chú trọng thực hiện tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới

Thứ Sáu, 26/11/2021

Xác định thủy lợi là khâu quan trọng góp phần mang lại mùa màng bội thu, nâng cao năng suất chất lượng trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời là tiêu chí quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, huyện Nho Quan đã chú trọng quan tâm, đầu tư, xây dựng hệ thống thủy lợi.

Nho Quan chú trọng thực hiện tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới

Đầu tư nâng cấp hệ thống kênh, mương ở xã Thượng Hòa (Nho Quan).

Gia Tường là xã thuộc vùng trũng thấp, có nhiều diện tích ngoài đê, việc điều tiết thủy lợi gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên những năm gần đây việc sản xuất trên đồng ruộng của xã đã có nhiều thay đổi. Điều nhận thấy rõ là hệ thống kênh mương đã cơ bản được cứng hóa phục vụ cho việc tưới, tiêu, sản xuất nông nghiệp. 

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Gia Tường là một trong những đơn vị đi đầu về sản xuất lúa ở huyện Nho Quan với năng suất bình quân đạt 62 - 67 tạ/ha. Hàng năm, HTX gieo trồng trên 500 ha lúa. 

Ông Đinh Quốc Lượng, Giám đốc HTX nông nghiệp Gia Tường cho biết: Yếu tố chính thúc đẩy sản xuất trên đồng ruộng của xã chính là thực hiện tốt và có hiệu quả tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới. Toàn bộ hệ thống kênh mương, trạm bơm được đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu bổ thường xuyên đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu phục vụ phát triển sản xuất. 

Xã Thạch Bình có diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 873,5 ha, trong đó diện tích được tưới tiêu chủ động đạt tỷ lệ 92,2%. Trên địa bàn xã có 3 trạm bơm điện, hệ thống kênh cấp II và cấp III dài 73,518 km kênh mương, đã được cứng hóa 25,544 km. 

Ông Vũ Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho biết: Trong những năm gần đây, các hệ thống kênh mương, cống, kè, tràn trên địa bàn xã đã được nhà nước quan tâm đầu tư và khắc phục kịp thời đảm bảo tưới tiêu chủ động cho sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu về dân sinh và phòng, chống thiên tai .

Cũng như Gia Tường và Thạch Bình các xã, HTX ở Nho Quan luôn xác định việc kiên cố hóa kênh mương đóng vai trò quan trọng trong nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công phong trào xây dựng nông thôn mới. 

Đến nay, 26/26 xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn tiêu chí số 3 về thủy lợi. Toàn huyện hiện có 104,1 km đê, 199 cống dưới đê và cống trạm bơm, 76 trạm bơm (187 máy), 38 hồ chứa nước; hệ thống kênh mương có tổng chiều dài 713,80 km. 

Thực hiện việc lồng ghép các chính sách (công ích thủy lợi), đến nay, toàn huyện đã kiên cố kênh cấp I+II được 360,14km (tỉ lệ cứng hóa đạt 80%). Hệ thống thủy lợi của huyện đảm bảo tưới, tiêu cho trên 35.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai, phục vụ  đời sống nhân dân .

 Hàng năm, các xã, các HTX tổ chức thực hiện nạo vét trên 200 nghìn m3 kênh mương, kiên cố hóa trên 90km kênh mương nội đồng, tổ chức khơi thông dòng chảy tại các tuyến kênh nhằm nâng cao năng lực tưới tiêu của hệ thống kênh mương... 

Các xã, thị trấn làm tốt công tác  kiểm tra, rà soát, tổng hợp, phân loại các vi phạm đến hệ thống kênh mương; xây dựng kế hoạch, tập trung triển khai xử lý, giải tỏa các vi phạm trên mặt đê, mái đê, các vi phạm ảnh hưởng lớn đến dòng chảy; thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vi phạm mới phát sinh.

Ông Trần Văn Dưỡng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Được sự quan tâm của tỉnh và các cấp, các ngành, trong những năm qua Nho Quan đã  đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống các công trình thủy lợi, góp phần quan trọng nâng cao năng lực tưới tiêu của toàn hệ thống, chủ động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Nhân dân trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia, tự nguyện hiến đất, giải tỏa cây cối, hoa màu, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án về thủy lợi, đê điều. Hệ thống thủy lợi được đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới là cơ sở để huyện Nho Quan phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, với đặc thù địa hình đồi núi cũng gây nhiều khó khăn cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống kênh mương tưới tiêu phục vụ nông nghiệp. Thực tế cho thấy nhiều tuyến kênh, mương đều có chiều dài lớn, đi qua nhiều loại địa hình... khiến cho mức đầu tư xây dựng công trình thủy lợi thường cao, công tác sửa chữa, cải tạo sau thiên tai cũng không ít, có lúc, có nơi vẫn chưa kịp đáp ứng đầy đủ nhu cầu cấp nước phục vụ sản xuất của nhân dân.

Trên cơ sở hiện trạng thực tế các công trình, huyện bố trí các nguồn kinh phí, lựa chọn các công trình ưu tiên tập trung sửa chữa, kiên cố. Từ đó nâng cao tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương và năng lực tưới chủ động.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hiện trạng các công trình thủy lợi, nhằm phát hiện kịp thời, tổ chức xử lý các sự cố, đảm bảo việc tưới tiêu ổn định .

Để duy trì bền vững kết quả đạt được, Nho Quan chỉ đạo các xã, HTX tuyên truyền sâu rộng tới người dân về việc tham gia quản lý, bảo vệ các công trình thủy lợi; chú trọng đầu tư, sửa chữa nâng cấp công trình ngay khi có dấu hiệu đã xuống cấp; đồng thời nghiên cứu, áp dụng các công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Dữ liệu đang được cập nhật

Thông tin truy cập

Truy cập: 740822

Trực tuyến: 27

Hôm nay: 473