.
Thứ Hai, 23/12/2024

Nho Quan đẩy mạnh phong trào thi đua "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi"

Thứ Bảy, 21/11/2020

Xây dựng những mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao như nuôi đặc sản hươu, dê, nhím, vịt trời, trồng rau an toàn theo hướng hữu cơ, phục tráng nuôi ốc, trồng măng tây… đang là hướng đi được nhiều hộ nông dân huyện miền núi Nho Quan lựa chọn. Qua đó xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, chung sức xây dựng đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong thời gian tới.

Nho Quan đẩy mạnh phong trào thi đua

Mô hình trồng cây Bùi Kỳ Lão xen măng tây, ổi của gia đình anh Đinh Văn Thuấn, thôn Bản Cả, xã Kỳ Phú.

Mô hình trồng cây bùi Kỳ Lão xen với măng tây, cây ổi của gia đình anh Đinh Văn Thuấn, thôn Bản Cả, xã Kỳ Phú là mô hình phát triển kinh tế mới đạt hiệu quả cao. Anh Thuấn cho biết: Những năm trước đây, gia đình tôi canh tác theo hướng truyền thống là trồng mía trên diện tích đất đồi. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế từ trồng mía không cao. Trăn trở để xây dựng mô hình phát triển kinh tế phù hợp với chất đất đồi, tôi đã học hỏi các mô hình kinh tế, đặc biệt nhằm bảo tồn giống cây đặc sản của xã Kỳ Phú. Năm 2020, gia đình đã chọn giống cây bùi để trồng, xen với cây măng tây, cây ổi trên diện tích đất đồi. 

Mô hình được tôi quy hoạch gọn, đầu tư trên 100 triệu đồng làm hệ thống tưới nhỏ giọt, đảm bảo đủ nước cho cây phát triển. Hiện gia đình anh Thuấn trồng trên 300 cây bùi và gần 1 ha măng tây. Hiện nay, măng tây đang cho thu hoạch bói, mỗi ngày từ 3-5kg, với giá bán 70 nghìn đồng/kg. Từ việc dám nghĩ, dám làm, gia đình anh Thuấn hiện nay đã thoát nghèo, từng bước phát triển kinh tế hiệu quả.

Đồng chí Bùi Thị Thùy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Phú cho biết: Hưởng ứng  phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, Hội Nông dân xã Kỳ Phú phát động sâu rộng trong hội viên nông dân xã về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể; hỗ trợ kỹ thuật, giống, vốn cho hội viên theo các chương trình của Hội Nông dân các cấp. Từ đó, các hộ đã xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, như nuôi hươu, dê, nhím, bò, trồng cây lưu niên, cây ăn quả…, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. 

Xã Kỳ Phú hiện có trên 100 mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó chủ yếu là mô hình sản xuất, chăn nuôi. Xã cũng đã thành lập được các Hợp tác xã như HTX nuôi hươu, HTX trồng bùi Kỳ Lão, tổ hợp tác nuôi dê..., góp phần giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế bền vững.

Đồng chí Hoàng Thị Thúy Ngân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nho Quan cho biết: Hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương, tỉnh, huyện phát động, trong 5 năm qua, các cấp Hội nông dân trong huyện đã gắn với phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, làm giàu bền vững bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả. 

Theo đó, các cấp Hội đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ, như phối hợp với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT, ký kết các chương trình hỗ trợ cho hội viên nông dân tiếp cận với các nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tính đến hết tháng 8/2020, số dư nợ của Ngân hàng CSXH đạt trên 145 tỷ đồng, cho 4.383 hộ vay ở 122 tổ tiết kiệm và vay vốn; số dư nợ của Ngân hàng NN&PTNT ở 103 tổ/19 xã, thị trấn, với số tiền vay trên 350 tỷ đồng, cho 3.061 hộ vay, tăng 16 tổ và gần 100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. 

Để thúc đẩy phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, hàng năm, Hội Nông dân huyện đã ký kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư, phân bón trả chậm cho hội viên nông dân đầu tư vào sản xuất. Như phối hợp với Tổng đại lý Đức Trọng, Công ty phân bón Sông Gianh, hàng năm cung ứng 817 tấn phân bón cho hội viên, nông dân. 

Phối hợp với Liên minh HTX, Phòng NN&PTNT huyện Nho Quan, Hội Liên hiệp KHKT tỉnh và các công ty, doanh nghiệp chuyển giao KHKT và xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ mới về trồng trọt, chăn nuôi. Tham gia đào tạo nghề cho nông dân, vận động những nông dân cùng học một lớp nghề, có chung một đối tượng sản xuất thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã  nhằm hỗ trợ tốt cho nhau trong kỹ thuật cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. 

Đến nay, toàn huyện có 29 tổ hợp tác với 412 thành viên; 12 hợp tác xã với 185 thành viên nông dân, tham gia phát triển kinh tế có hiệu quả, như: HTX trồng nấm xã Gia Tường; HTX nuôi trồng thủy sản xã Văn Phong; HTX măng tây Kỳ Phú; HTX nuôi hươu Kỳ Phú… Đồng thời duy trì mô hình trồng rau an toàn theo hướng hữu cơ tại thôn Sào Thượng, xã Lạng Phong; mô hình phục tráng nuôi ốc nhồi tại xã Gia Tường, Lạng Phong và hỗ trợ chế phẩm sinh học, phân NPK cho mô hình trồng măng tây tại xã Kỳ Phú, mô hình nuôi vịt trời Đức Long... Trên địa bàn có nhiều hộ nông dân thu nhập bình quân từ 120-150 triệu đồng/năm. 

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông sản quy mô mô lớn, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, phát huy thế mạnh địa phương, từng bước xây dựng thương hiệu nông dân sản xuất hàng hóa đặc trưng.

 Phong trào cũng góp phần xây dựng NTM, nâng cao đời sống cho nông dân, thực hiện chương trình giảm nghèo hiệu quả. Đến nay, toàn huyện đã có 4.327 hộ đạt hộ SXKD giỏi các cấp, 12.158 hộ hội viên đăng ký hộ SXKD giỏi các cấp, đạt 52%. Các cơ sở Hội đã đăng ký và duy trì hiệu quả  29 mô hình "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn", 28 mô hình "Dân vận khéo", 27 mô hình "Nông dân tham gia vệ sinh môi trường", 37 mô hình "An ninh tự quản" và 16 mô hình phát triển kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Dữ liệu đang được cập nhật

Thông tin truy cập

Truy cập: 741095

Trực tuyến: 85

Hôm nay: 746