.
Thứ Hai, 23/12/2024

Ninh Bình: Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

Thứ Tư, 10/04/2019

Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/2/2017 của Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước về chủ trương tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Quá trình thực hiện chủ trương này đối với tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong những năm gần đây nhưng cũng đang đặt ra những vấn đề cần phải quyết liệt thực hiện trong thời gian tới.

Mô hình trồng rau sạch ở xã Mai Sơn (Yên Mô). Ảnh: Anh TuấnTái cơ cấu các ngành kinh tế

Ông Đặng Thái Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong giai đoạn 2016 - 2018, kinh tế phát triển khá toàn diện và duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá SS 2010) bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt khoảng 8,21%/năm; dự báo giai đoạn 2016 - 2020 tốc độ tăng GRDP bình quân đạt 8,44%, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra. 

Bên cạnh đó, quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng, giá trị GRDP năm 2018 đạt 36,8 nghìn tỷ đồng, tăng 26,72% so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt khoảng 48,5 triệu đồng, tăng 9,9 triệu đồng so với năm 2015.

Có được kết quả đó, thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Ninh Bình đã tập trung điều hành và huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển, đảm bảo nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đồng thời chú trọng chuyển đổi theo hướng phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao và phát triển bền vững.

Quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã gắn liền với việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trọng tâm là phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến, bền vững. Tỉnh đã xây dựng được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhiều sản phẩm có lợi thế, gắn kết thị trường tiêu thụ và hiệu quả kinh tế bền vững dựa trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. 

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ, nhân rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn: mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt theo hướng VietGAP; mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ; mô hình sản xuất đảm bảo an toàn sinh học; mô hình chăn nuôi sử dụng chế phẩm sinh học... 

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt 1,77%. Giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác liên tục tăng, năm 2018 đạt 120 triệu đồng, dự kiến đến năm 2020 đạt 130 triệu đồng, đạt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. 

Nuôi trồng thủy hải sản tiếp tục phát triển cả về quy mô và mức độ ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất; diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2018 đạt 13,09 nghìn ha; sản lượng thủy sản năm 2018 đạt 50,5 nghìn tấn, tăng 6,2% so với năm 2017.

Để đảm bảo tăng trưởng bền vững, trong thời gian qua, tỉnh đã cơ cấu lại ngành công nghiệp, tập trung vào 2 ngành công nghiệp nền tảng, có lợi thế cạnh tranh và có ý nghĩa chiến lược đối với tăng trưởng nhanh, bền vững, đó là công nghiệp hỗ trợ và sản xuất các ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh như sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử, may mặc, giày dép, xi măng-clanhke. 

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt 15,31%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có giá trị lớn như: lắp ráp ô tô đạt 58.260 chiếc, camera modul đạt 76,68 triệu sản phẩm,  kính nổi đạt 145,98 nghìn tấn, xi măng clanhke đạt 11.187 nghìn tấn.

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, những năm qua Ninh Bình đã có nhiều giải pháp để phát triển ngành du lịch, chuyển dịch nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh”. Điều này thể hiện rõ nét trong tốc độ phát triển du lịch, đặc biệt từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa, Thiên nhiên thế giới, đã mở ra cơ hội lớn, đưa du lịch Ninh Bình dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với nhiều sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, chất lượng du lịch tiếp tục được cải thiện, nâng cao; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được đầu tư cải thiện, nhất là các dịch vụ lưu trú chất lượng cao. 

Lượng du khách đến Ninh Bình không ngừng tăng lên qua các năm; năm 2016 đạt trên 6 triệu lượt khách (gấp 2 lần so với năm 2010); năm 2017 đạt 7 triệu lượt khách, tăng 9,53% so với năm 2016; năm 2018 đạt 7,3 triệu lượt khách, tăng 3,5% so với năm 2017; dự kiến đến năm 2020 đạt 7,5 triệu lượt khách, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra. Doanh thu du lịch giai đoạn 2016-2018 tăng bình quân trên 26%.

Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước

Những năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ về tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; cán bộ, người lao động trong các cơ quan quản lý nhà nước đã thường xuyên nghiên cứu, học tập, bồi dưỡng, nâng cao hiểu biết về pháp luật, cập nhật các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước để áp dụng trong quá trình giải quyết công việc. 

Việc rà soát, sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan quản lý nhà nước đã được triển khai thực hiện, nhằm quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước, hạn chế tình trạng phân công nhiệm vụ chồng chéo giữa các cơ quan.

Để nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi công vụ, tỉnh Ninh Bình đã ban hành Đề án cải cách chế độ công vụ; Đề án, kế hoạch xây dựng chính quyền điện tử; rà soát, điều chỉnh quy hoạch cán bộ lãnh đạo tỉnh... làm cơ sở cho việc quy hoạch, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng và đề bạt cán bộ, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. 

Trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách và các dự án đầu tư, tỉnh Ninh Bình luôn thực hiện nghiêm các quy định về công khai, dân chủ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà khoa học, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân được tham gia và giám sát việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, các dự án đầu tư.

Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài nguyên và môi trường, đặc biệt là cơ chế, chính sách về đất đai như quy định về giá đất, thủ tục hành chính giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất… 

Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh theo hướng hiện đại, đồng bộ, chính xác, được cập nhật thường xuyên, liên tục. Giải quyết kịp thời, có hiệu quả đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân. Xác định công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới. 

Tập trung thanh tra, kiểm tra công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoạt động của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, hoạt động khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

Dữ liệu đang được cập nhật

Thông tin truy cập

Truy cập: 740883

Trực tuyến: 86

Hôm nay: 534