.
Thứ Hai, 23/12/2024

Ninh Bình: Tập trung chỉ đạo sản xuất và phòng chống dịch hại trên lúa Đông xuân năm 2021

Thứ Tư, 05/05/2021

Ngày 29/4/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản số 934/SNN-TTBVTV gửi UBND các huyện,thành phố về việc tập trung chỉ đạo sản xuất và phòng chống dịch hại trên lúa Đông xuân năm 2021

Vụ Đông xuân năm 2021, toàn tỉnh đã gieo cấy được 39.984,1 ha. Hiện tại, trà lúa xuân sớm đang ở giai đoạn trỗ bông - chín; trà xuân muộn ở giai đoạn ôm đòng - trỗ bông. Nhìn chung trên phạm vi toàn tỉnh lúa sinh trưởng và phát triển tốt, do đảm bảo đủ nước, bón phân cân đối, phòng trừ dịch hại kịp thời. Theo Báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay bệnh đạo ôn cổ bông đã xuất hiện rải rác trên trà lúa xuân sớm tỷ lệ bệnh nơi cao: 0,5-1%, cá biệt: 3-5% số bông (Nho Quan)...

Trong thời gian tới, với nguồn bệnh sẵn có trên đồng ruộng và điều kiện thời tiết như hiện nay nhiều ngày âm u, mưa nhỏ, mưa rào, nhiệt độ hạ thấp là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh và gây hại rộng trên trà lúa trỗ từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, đặc biệt hại nặng trên các giống nhiễm, diện tích đã bị đạo ôn lá... Sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đang nở rộ, mật độ nơi cao: 60-80 con/m2; cá biệt trên 200 con/m2 (Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh, TP Tam Điệp...) gây hại rộng trên trà lúa xuân muộn đang ở giai đoạn ôm đòng - trỗ bông, nếu không phát hiện và phun trừ kịp thời nhiều diện tích bị hại nặng sẽ làm sơ trắng bộ lá đòng ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa. Ngoài ra rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 2 sẽ nở rộ đến ngày 08/5 gây hại trên các trà lúa. Chuột, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá. tiếp tục hại tăng.

Để sản xuất vụ đông xuân năm 2021 giành thắng lợi, UBND các huyện, Thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn; các xã, HTX Nông nghiệp: Đảm bảo đủ nước cho các trà lúa làm đòng, trỗ bông, nuôi hạt; Tiếp tục tổ chức diệt chuột bằng các biện pháp, trong đó chú trọng biện pháp thủ công như đào bắt, hun khói, đặt các loại bẫy; Phân rõ các trà lúa, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân kiểm tra, phát hiện và phòng chống kịp thời các đối tượng dịch hại như: Bệnh đạo ôn cổ bông; sâu cuốn lá nhỏ lứa 2; rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 2... theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa và cây mầu vụ đông xuân đặc biệt là diện tích ngoài đê tránh lũ tiểu mãn; Xây dựng Kế hoạch phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa vụ mùa năm 2021; Kế hoạch sản xuất vụ mùa năm 2021, giảm diện tích gieo xạ, mở rộng sản xuất các cây trồng có giá trị kinh tế cao, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm khuyến nông tập trung lực lượng, phối hợp với phòng Nông nghiệp & PTNT, phòng Kinh tế; Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố cử cán bộ tăng cường kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ dịch hại kịp thời, hiệu quả. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và áp dụng thực hiện kịp thời, hiệu quả. Phối hợp với các ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không để xảy ra tình trạng tăng giá, bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng lưu hành trên địa bàn tỉnh làm thiệt hại cho sản xuất.

CTV Lê Ngọc

Dữ liệu đang được cập nhật

Thông tin truy cập

Truy cập: 741076

Trực tuyến: 83

Hôm nay: 727