Nông dân xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp) thu hoạch chè búp.
Chúng tôi gặp vợ chồng chị Phạm Thị Hồng Quý và anh Tống Duy Hiển tại trụ sở của HTX Hoa, cây cảnh, nông sản Tam Điệp (thôn 1, Đông Sơn) khi anh chị cùng các thành viên của HTX đang tất bật chế biến, đóng gói sản phẩm chè xanh An Nguyên. Chị Quý chia sẻ, chị từng làm mảng cung ứng vật tư cho ngành chè, khắp các vùng chè đều đã đặt chân tới, kiến thức chuyên sâu về cây chè cũng khá chắc. Tình cờ, một lần trò chuyện với một số cán bộ của Tổng công ty Chè Việt Nam (VinaTea), chị biết được, trước đây, Ninh Bình có Nông trường chè Tam Điệp cũng là thành viên của VinaTea, chè ở đây nội chất rất tốt, vị chè đậm hơn nhiều so với những nơi khác nhưng rất tiếc giờ đây nông trường này không còn nữa. Sẵn tâm huyết với cây chè, vợ chồng chị đã bỏ công đi khảo sát, tìm hiểu thực tế hiện trạng cây chè ở Đông Sơn và cuối năm 2018 thì về đây xây dựng cơ sở sản xuất chè, thành lập nên HTX Hoa, cây cảnh, nông sản Tam Điệp.
Ban đầu HTX chỉ lựa chọn 30 ha của những hộ có đủ điều kiện, cam kết làm theo quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh mà HTX đưa ra để liên kết, sản xuất thu mua sản phẩm. HTX hỗ trợ bà con về kỹ thuật, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cam kết thu mua sản phẩm cho bà con với giá 15 nghìn đồng/kg búp tươi. "Trong quá trình sản xuất, cơ sở đặt yếu tố an toàn thực phẩm lên hàng đầu, sau đó mới đến mùi vị, phẩm chất chè" - vợ chồng anh Hiển, chị Quý khẳng định.
Chúng tôi đến thăm một số hộ gia đình đang liên kết trồng chè với HTX mới thấy hết được sự vui mừng, phấn khởi của người trồng chè khi cây trồng truyền thống đã gắn bó bao nhiêu năm giờ lại được hồi sinh, đem lại sự khá giả, sung túc cho họ. Vườn chè hơn 1 mẫu của chị Vũ Thị Lành, thôn 12 đang kỳ thu hái, búp non tua tủa, xanh mướt. Vừa nhanh hái chè, chị Lành vừa tâm sự: Vườn chè này của gia đình tôi tròn 20 năm tuổi rồi. Ngày xưa, khi còn nông trường chè, đây là cơ nghiệp, là cơm no, áo ấm của cả gia đình. Nhưng đến năm 2005, nông trường giải thể, chè không bán được, bị bỏ bê không chăm sóc, còi cọc… Cảm giác như mình đang bỏ rơi "một đứa con", xót xa lắm nhưng chẳng biết làm cách nào. May mắn là từ năm 2019, được HTX động viên, quay lại với cây chè, chỉ bỏ công chăm bón có mấy tháng mà cả vườn chè như bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài, trổ cành, ra lá mơn mởn. 12-13 ngày đã cho một lứa, mỗi lứa hơn 1 tạ búp, cho thu nhập 3 triệu/tháng.
Cũng giống như gia đình chị Lành, thời gian này, anh Đỗ Văn Huệ đang tập trung chăm bón, cắt tỉa, tạo tán lại cho 1 ha chè của gia đình. Anh Huệ cho biết: trước không bán được chè búp, nhà tôi làm chè cành, một năm mới cắt được 1 lứa, giá bán lại thấp nên thu nhập chẳng đáng là bao. Từ năm ngoái đến năm nay, được HTX thu mua chè búp, thu nhập cao gấp 2-3 lần, bà con chúng tôi thêm yên tâm, phấn khởi gắn bó với cây chè.
Được biết, nhờ chú trọng yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, cộng thêm hệ thống máy móc chế biến hiện đại và chuỗi "bí kíp": diệt men, sấy khô, sao lăn tạo hình… đã giúp HTX Hoa, cây cảnh, nông sản Tam Điệp tạo ra được sản phẩm chè xanh chất lượng tốt, bước đầu lấy được sự yêu mến, tin tưởng của nhiều người tiêu dùng. Hiện nay, sản phẩm chè xanh mang thương hiệu An Nguyên của HTX đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Thanh Hóa, Nam Định. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Thời gian tới, HTX dự định sẽ mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời để tăng năng suất, tăng thu nhập cho người trồng chè, đơn vị đang triển khai mô hình trồng chè cành xen canh với cây đào. Nếu như các giống chè cũ bà con trồng bằng hạt thì chè cành trồng bằng cành, nhanh cho thu hoạch hơn, năng suất cao hơn, đặc biệt búp có thể cắt được bằng máy. Hiện, đã có 15 hộ tham gia mô hình này, tổng diện tích là 5 ha.
Tin rằng với tâm huyết, kiến thức và việc quản trị tốt, vợ chồng chị Quý, anh Hiển và HTX Hoa, cây cảnh, nông sản Tam Điệp sẽ hồi sinh được vùng chè Đông Sơn, mở ra hướng đi triển vọng trong phát triển kinh tế từ cây chè cho bà con nơi đây.
Baoninhbinh.org.vn
Dữ liệu đang được cập nhật
Truy cập: 741017
Trực tuyến: 87
Hôm nay: 668