Nông dân xã Gia Tiến (Gia Viễn) thu dọn diện tích dưa không cho thu hoạch.
Sau 3 tháng trồng và chăm sóc 2,5 sào dưa bở và dưa lê, gia đình bà Nguyễn Thị Lan, thôn Hán Bắc, xã Gia Tiến dự kiến cho thu nhập gần 10 triệu đồng, tuy nhiên những ngày qua do mưa nhiều nên diện tích dưa của gia đình bà chuẩn bị đến ngày thu hoạch bị ngập úng làm thối gốc, chết cây, thối quả. Thay vì hái dưa để bán, giờ bà phải nhổ đi để giải phóng đất chuẩn bị cho vụ tới.
Nhìn ruộng dưa không cho thành quả mà bà không khỏi xót xa bởi bao công đầu tư, chăm bón chờ đến ngày thu hoạch mất trắng. Bà Lan cho biết, chỉ mong làm sao thời tiết ủng hộ để người dân như chúng tôi gỡ lại vụ này. Vì trên diện tích này nếu trồng lúa chỉ được hơn tạ lúa, so với trồng dưa thì được 2 đến 3 tạ lúa.
Cũng như nhà bà Lan, bà Nguyễn Đức Len ở xã Gia Tiến cho biết: Gia đình bà trồng 4 sào, trong đó 2 sào dưa lê, 2 sào dưa bở. Những ngày trước khi diện tích dưa của gia đình bà đang đẹp mơn mởn, hy vọng sẽ có một vụ cho thu hoạch lớn. Nhưng mấy ngày qua do mưa nhiều đến nay những cây dưa của gia đình bà cứ bị héo khô lá, quả bị thối không cho thu hoạch được. Giờ đây bà chỉ biết đi mót xem có được ít quả nào để bán bù đắp chi phí giống và phân bón.
Theo tính toán của người nông dân, trung bình mỗi sào dưa người dân đầu tư khoảng 1 triệu đồng bao gồm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa tính tiền công chăm sóc. Nếu như dưa cho năng suất 700 - 800 kg/sào và bán được giá trung bình 7 - 8 nghìn đồng/kg thì trừ chi phí bà con thu lãi 4-5 triệu đồng.
Tuy nhiên với tình cảnh này người dân không có thu nhập. Những năm gần đây, dưa được người dân trồng nhiều hơn bởi thời gian trồng ngắn và cho thu hoạch quả nhanh, hiệu quả kinh tế cao gần 4 lần so với các cây trồng khác như lúa, ngô. Hàng năm, dưa bở, dưa lê của bà con được các thương lái đến tận ruộng thu mua. Vụ dưa năm nay mất mùa nên hiện tại, nhiều hộ dân đang thu dọn dưa hỏng, vệ sinh lại đồng ruộng.
Vụ xuân năm nay, huyện Gia Viễn trồng gần 70 ha dưa lê và dưa bở, tập trung chủ yếu ở 3 xã Gia Thắng, Gia Phương và Gia Tiến. Theo bà con ở đây cho biết đây là năm thứ 2 liên tiếp một số diện tích bị mất mùa dưa. Qua tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến mất mùa dưa ngoài yếu tố về thời tiết do mưa nhiều làm cho cây dưa ngập úng dẫn đến vàng úa thối gốc, thối cây và chết khá nhiều. Hơn nữa, cuối tháng 4, đúng lúc dưa đang cho thu hoạch thì mưa lớn làm cho quả bị thối rữa. Nguyên nhân nữa là do việc trồng và chăm sóc dưa hiện nay của bà con vẫn theo cách làm truyền thống, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật, đồng thời cơ sở hạ tầng phục vụ tưới tiêu chưa hoàn thiện.
Vì vậy muốn phát triển thành vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn, người dân cần tăng cường áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, đồng thời công tác đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, dự báo, định hướng và liên sản xuất cũng phải được quan tâm chú trọng.
Để việc trồng dưa ổn định, đạt năng suất, sản lượng cao, hạn chế thấp nhất việc mất mùa, cơ quan, đơn vị chuyên môn của huyện và các xã trong huyện cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây dưa đúng quy trình, kỹ thuật; hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để xử lý khi ruộng dưa gặp điều kiện thời tiết bất lợi (ngập úng, hạn hán) hoặc bị sâu bệnh.
Hiện nay bà con nông dân đang dọn dẹp chuẩn bị giống để trồng dưa vụ tiếp theo với hy vọng sẽ được vụ mới để bù đắp cho những thiệt hại của vụ dưa này.
Theo Baoninhbinh.org.vn
Dữ liệu đang được cập nhật
Truy cập: 741095
Trực tuyến: 79
Hôm nay: 746