Sau lập Xuân, thời tiết năm nay ấm, số ngày rét đậm, rét hại ít, nhiệt độ trung bình cao hơn nhiều năm. Điều đó đang và sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng, phát triển của các loại cây trồng, vật nuôi và cũng là điều kiện cho một số sâu bệnh, dịch hại như: bệnh lùn sọc đen, chuột phá hoại sản xuất nông nghiệp.
Do vậy, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và nhất là ngành nông nghiệp cần phải tập trung chỉ đạo cụ thể cho các địa phương, các HTX và bà con nông dân để bố trí cơ cấu trà, giống, thời vụ gieo cấy phù hợp, triển khai lấy nước, làm đất, bón phân và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, dịch hại cho lúa, cây màu theo kế hoạch, đảm bảo cho cây trồng phát triển thuận lợi.
Đối với cây lúa, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo bố trí trà Xuân sớm bằng 5% tổng diện tích và chỉ bố trí trên chân ruộng trũng, thùng đào, thùng đấu, vùng ngoài đê, đất thấp ven núi; dùng các giống lúa lai, lúa thuần như: Nhị ưu 838, Thục Hưng 6, CT16, KD18… gieo, cấy sớm để thu hoạch trước 20/5 tránh lụt Tiểu mãn.
Với các diện tích trà Xuân đã sớm gieo cấy trước Tết, hiện tại lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh nên cần duy trì mực nước trên ruộng từ 3-5 cm, tiến hành bón phân thúc tập trung, bón cân đối kết hợp với làm cỏ, tỉa dặm đảm bảo mật độ để tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh và sinh trưởng phát triển.
Với trà Xuân muộn, ngành nông nghiệp chỉ đạo gieo cấy bằng 95% diện tích với các giống lúa lai và lúa thuần như: Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111, Thục hưng 6, CT16, TEJ- Vàng, KD18, TBR 225, Thiên ưu 8, Nếp 97, Nếp 98, Bắc thơm số 7, DQ11, Sơn lâm 1… Các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế để bố trí thời vụ gieo cấy, cơ cấu trà, cơ cấu giống cho hợp lý, cần chuẩn bị tốt các điều kiện như: mạ, đất, nước, phân bón… để chủ động gieo cấy xong trong tháng 2 năm 2019.
Khuyến khích các nơi thực hiện và mở rộng diện tích lúa gieo thẳng trên những chân ruộng chủ động được nước, dùng các giống ngắn ngày như: Bắc thơm số 7, DQ11, Thiên ưu 8, Sơn Lâm 1... dùng giàn kéo, dùng máy động cơ hoặc gieo bằng tay. Thời gian gieo thẳng từ 08-15/2/2019.
Thực tế trên các cánh đồng ở nhiều địa phương trong tỉnh, những diện tích lúa gieo thẳng hiện nay đạt từ 2 - 3 lá, nhiều diện tích lúa xuân muộn sau cấy đã bén rễ hồi xanh, bà con nông dân đã chuyển trọng tâm sang chăm bón. Cần giữ và duy trì mực nước trên ruộng từ 2-3 cm để tiến hành bón phân thúc sớm, kết hợp với tỉa dặm đảm bảo mật độ đồng đều trên ruộng.
Với cây Ngô, sử dụng các giống ngô lai có năng suất cao như: LVN10, CP888, NK66, CP989, CP333, CP 919,... trồng cuối tháng 1 đến đầu tháng 2/2018. ở vùng khô hạn, đồi cao, phải chờ mưa xuân và tùy điều kiện có thể trồng kết thúc cuối tháng 2, sử dụng các giống Ngô lai hoặc Ngô nếp ngắn ngày.
Đối với chân đất trồng Ngô nếp thu bắp non sử dụng các giống MX4, MX10, HN88. Với cây Lạc, sử dụng giống Lạc nhân ở vụ đông để có tỷ lệ nảy mầm cao, sức nảy mầm khoẻ. Vùng đất tốt thâm canh mở rộng giống lạc L14, L15, MD7; tiếp tục mở rộng giống L16, L18, L23, L27... vùng đất xấu, đất hạn dùng giống V79, Sen lai….
Những diện tích ngô, lạc, rau đã trồng, cần tranh thủ thời tiết thuận lợi tập trung bón phân thúc kết hợp với xới xáo, làm cỏ, vun luống tạo điều kiện để cây sinh trưởng phát triển đồng đều. Đồng thời tiếp tục gieo trồng ngô, lạc trên vùng đất cao, đất đồi và gieo trồng các loại rau, củ, quả vụ Xuân hè.
Nhiệm vụ cần tập trung trước mắt là chỉ đạo các xã, thị trấn, HTX đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành gieo cấy lúa đông xuân trong tháng 2. Tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương chăm bón, bảo vệ cây lúa, tổ chức diệt chuột, phòng trừ bệnh lùn sọc đen phương Nam hại lúa, bảo vệ sản xuất.
Cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp tích cực xuống cơ sở kiểm tra đồng ruộng, chỉ đạo, hướng dẫn địa phương và các hộ dân gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ các đối tượng dịch hại trên lúa và các cây trồng.
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, thông báo tình hình sinh trưởng phát triển và diễn biến của các đối tượng dịch hại, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch hại các cây trồng để người dân biết, tiếp thu, áp dụng hiệu quả.
Tăng cường công tác thanh, kiểm tra thị trường vật tư nông nghiệp, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không để vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng lưu hành trên địa bàn tỉnh gây thiệt hại cho sản xuất.
Với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, cụ thể của các cấp, các ngành, nhất là ngành nông nghiệp, hy vọng Ninh Bình tiếp tục dành thắng lợi trong vụ sản xuất đông xuân năm 2018-2019.
Theo Baoninhbinh.org.vn
Dữ liệu đang được cập nhật
Truy cập: 740950
Trực tuyến: 85
Hôm nay: 601