.
Thứ Hai, 23/12/2024

Tháng Ba, mùa ong đi lấy mật

Thứ Tư, 07/04/2021

Tháng Ba được coi là mùa con ong đi lấy mật. Bởi lẽ, đây là thời điểm tiết trời ấm áp, cây cối đâm chồi nẩy lộc, hoa lá tốt tươi - đó là môi trường lý tưởng nhất để ong đi gom mật ngọt, cần mẫn tạo những giọt mật vàng sánh ngon nhất dâng tặng cho đời.

Nhiều nhà vườn để gọi ong về thụ phấn cho hoa cũng chủ động không phun thuốc bảo vệ thực vật vào mùa hoa nở để góp phần bảo vệ đàn ong. Hoa tàn, đàn ong rời đi mang theo nhiều mật ngọt và không quên để lại cho nhà vườn một mùa cây trái xum xuê…

Tháng Ba, mùa ong đi lấy mật

Tháng Ba là thời điểm thu hoạch mật ong được nhiều và ngon nhất trong năm. Ảnh: M.Q

Ông Đinh Văn Lợi, ở thôn Sấm 1, xã Cúc Phương (huyện Nho Quan) nuôi ong từ hơn 20 năm nay. Ông Lợi bảo, vì ở gần Vườn quốc gia Cúc Phương có đa dạng loài hoa cho đàn ong lấy mật: Tháng 3, tháng 4 là hoa vải hoa nhãn nở rộ trong vườn nhà; tháng 9, 10 thì bạt ngàn hoa keo; những tháng còn lại là các loại hoa rừng.

Bởi vậy, mùa thu hoạch mật của ông Lợi và các hộ nuôi ong ở Cúc Phương bắt đầu từ tháng Giêng cho tới tận tháng 10. Riêng tháng 11, 12  ong lấy mật từ hoa rừng như hoa Bông Hôi. Nhưng vì lượng mật trong hoa này không nhiều, nên chủ yếu ong hút mật để … cầm hơi, đợi đến tháng Giêng lại đi tìm mật ngọt ở các loài hoa khác.

"Dẫu thời gian thu hoạch mật kéo dài, song tháng Ba vẫn là thời điểm thu hoạch mật được nhiều và ngon nhất trong năm. Bởi đây là lúc thời tiết ấm dần lên, trăm hoa đua nở. Đây là mùa để ong đi lấy mật và cho những giọt mật vàng sáng, ngon nhất"- ông Đinh Văn Lợi cho biết thêm. 

Nuôi ong hàng chục năm, với ông Lợi, ong đã trở thành bạn. Niềm vui bao nhiêu năm nay của ông Lợi vẫn thế: vui sướng khi rút một cầu ong trong tổ ra mà tay nặng trĩu bởi mật đóng dày đặc kín; niềm vui là thu được những dòng mật vàng óng đặc sánh sau mỗi lần quay mật. Hơn 40 đàn ong ông Lợi nuôi, mỗi năm cũng mang lại cho ông nguồn thu vài chục triệu đồng. Thêm tiền thu hoạch được từ trồng keo, nuôi đại gia súc… cuộc sống của một lão nông như ông Lợi khá ổn định.

Những ngày này, ông Đinh Đức Bình ở thôn Hoa Tiên, xã Gia Hưng (huyện Gia Viễn) cũng rất bận rộn với việc quay mật ong. Ông Bình cho biết, mùa nào con ong cũng đi lấy mật. Cứ hoa nở là ong sẽ đi. Thế nhưng tháng 3 là mùa của hoa nhãn, hoa vải nên ong lấy được nhiều mật nhất. Sẵn hoa nên chúng tôi không cần phải di chuyển đàn ong để tìm đến nơi nhiều hoa.

"Đến những mùa khác trong năm, để có hoa cho ong lấy mật, chúng tôi phải tìm nơi hợp lý để đặt tổ ong sao chúng kiếm được nhiều mật nhất. Khi tìm được vị trí đặt ong, những con ong "trinh sát" sẽ bắt đầu làm nhiệm vụ đi tìm nguồn hoa. Mỗi loại hoa sẽ cho một loại mật riêng. Có năm thời tiết thất thường, hoa ít, mưa nhiều hoặc lạnh… ong không lấy đủ mật, người nuôi phải cho ong ăn đường. Bởi vậy, khát vọng của người nuôi ong, đó là chỉ mong mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, hoa nở rực rỡ để ong cần mẫn lấy mật.

Ông Bình là hộ đầu tiên trong xã Gia Hưng nuôi ong mật. Ông Bình tâm sự, cách đây hơn 20 năm, tôi tham quan mô hình nuôi ong mật, sau đó mạnh dạn mua 3 thùng ong giống về nuôi thử. Vừa nuôi, vừa mày mò áp dụng kỹ thuật đã học, cuối vụ ông Bình thu được 30 lít mật. Quay được giọt mật ngọt đầu tiên, gia đình Bình vui mừng khôn tả…

Nếu khi mới nuôi, quay được số mật như thế đã được xem là thành công thì nay, qua việc áp dụng kỹ thuật và nâng cao tay nghề, gia đình ông Bình đã thu được bình quân 40 lít/thùng. Có thời điểm, ông Bình nuôi hàng trăm đàn ong. Không chỉ bán mật, ông Bình còn nhân giống, tách đàn để bán đàn ong.

Ông Bình chia sẻ, nghề nuôi ong vừa dễ lại vừa khó. Dễ với những người ham thích, chịu khó học hỏi và muốn gắn bó lâu dài với nghề nhưng lại khó với những ai thích ăn xổi, không chịu đầu tư kỹ thuật. Nuôi ong, công sức và thời gian chỉ bằng nửa thời gian làm ruộng và ít hao phí sức lực nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo, chăm bẵm ong như trẻ nhỏ.

Chính người nuôi ong cũng phải cần mẫn như con ong. Con ong thường mắc phải bệnh bại liệt, tiêu chảy… nếu không phát hiện kịp thời để điều trị, dễ lây lan dẫn đến hỏng luôn cả đàn. Để phát hiện bệnh nhanh, người nuôi phải có cả kinh nghiệm và trang bị kỹ thuật thật tốt. Dùng thuốc không đúng liều không những bệnh không hết mà có khi mật lại bị nhiễm độc.

Theo baoninhbinh.org.vn

Dữ liệu đang được cập nhật

Thông tin truy cập

Truy cập: 741050

Trực tuyến: 82

Hôm nay: 701