.
Thứ Hai, 23/12/2024

Yên Khánh: Đảm bảo sản xuất vụ đông xuân 2018-2019 giành thắng lợi

Thứ Tư, 02/01/2019

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng Thủy văn Ninh Bình, vụ đông xuân năm 2018-2019 là một vụ xuân ấm, nhiệt độ trung bình toàn vụ xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm 10oC (khoảng 21-22oC). Rét đậm, rét hại có khả năng tương đương với vụ đông xuân trước, tập trung vào nửa cuối tháng 12 đến nửa đầu tháng 2, các đợt rét đậm, rét hại không kéo dài mà chỉ từ 4-7 ngày. Lượng mưa xấp xỉ trung bình nhiều năm, mưa nhỏ, mưa phùn từ cuối tháng 1 đến tháng 3.

Nông dân xã Khánh Thành (Yên Khánh) làm đất sản xuất vụ đông xuân. Ảnh: Trần ĐứcTrên thị trường, giá thóc giống, phân bón và thuốc BVTV, công lao động thuê làm vẫn ở mức cao. Tình hình phát sinh của các đối tượng dịch hại phức tạp, nhất là chuột hại, bệnh lùn sọc đen… làm ảnh hưởng đến sản xuất của vụ đông xuân 2018-2019.

Ông Trần Ngọc Diệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: UBND huyện đã quán triệt kế hoạch sản xuất vụ đông xuân năm 2018 - 2019; chỉ đạo các xã, thị trấn, các HTX Nông nghiệp, các cơ quan, đơn vị của huyện thực hiện nghiêm túc kế hoạch sản xuất của huyện. Giao phòng chuyên môn của huyện, các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, triển khai, thực hiện kế hoạch của UBND huyện. Phối hợp với Sở Nông nghiệp &PTNT xây dựng mô hình chuyển đổi sản xuất lúa hữu cơ bằng máy tại xã Khánh Trung quy mô 100 ha; toàn huyện phấn đấu sản xuất 200 ha lúa hữu cơ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân có nhu cầu sản xuất hàng hóa tập trung thuê đất, mượn đất, liên doanh, liên kết với nông dân sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm chất lượng cao, sản xuất rau củ quả hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nhân dân. Từng bước giảm tối đa diện tích lúa gieo thẳng chuyển sang cấy nhằm không sử dụng thuốc trừ cỏ do ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng, hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững. 

Cụ thể phấn đấu diện tích gieo sạ giảm còn từ 70-80%; xây dựng các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao trên cơ sở có quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi diện tích lúa hiệu quả thấp sang các cây trồng mới có giá trị kinh tế cao hơn. Khuyến khích các đơn vị tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là chuyển đổi đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Mở rộng các mô hình lúa - cá trên cơ sở quy hoạch ở các vùng đất trũng ven sông, giáp khu dân cư, có điều kiện nước ra vào thuận tiện đảm bảo môi trường cho cá phát triển. Năm 2019, ở vụ sản xuất này huyện phấn đấu gieo trồng 8.309 ha, trong đó diện tích lúa 7.200 ha, năng suất đạt 67,81 tạ/ha, sản lượng 48.823,2 tấn; cây lạc 540 ha; rau đậu các loại là 288 ha; khoai lang 10 ha; cây ngô 32 ha; cây thuốc lào 71,7 ha; cà chua 10 ha; dưa chuột 60 ha; khoai tây giống 10 ha; bầu, bí xanh 21,5 ha; ớt cay 18,2 ha; cây khác 48 ha; giá trị sản xuất vụ đông xuân phấn đấu đạt 501.194 triệu đồng.

Cũng theo ông Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai làm đất sớm; yêu cầu cày ải sớm (trước 20/12/2018) đảm bảo ải nỏ (trừ diện tích còn cây vụ đông). Chủ động điều hành bừa dập, bừa được cấy xong trước 10/2/2019 để gieo cấy kết thúc trước 12/2/2019 (theo đúng lịch thời vụ). Cơ cấu trà lúa, giống lúa: 100% diện tích được gieo cấy bằng trà xuân muộn với các giống lúa thuần (khoảng 90 % diện tích gieo cấy) gồm: LT2, Bắc thơm số 7, QR1, DQ11, Thơm RVT, Hoa ưu 109, Nếp 97... và giống Đài thơm 8. Lúa lai (khoảng 10% diện tích gieo cấy), sử dụng các giống Nhị ưu 838...Cây lạc, chủ yếu trồng bằng các giống L14, L15, Sư tuyển, MD7, TQ1, Sán dầu 30…và trồng trong tiết lập xuân và xong trước 25/2/2019. Cây ngô, khuyến khích các đơn vị có diện tích đất màu trồng lạc kém hiệu quả chủ động ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm để trồng ngô ngọt hoặc một số giống ngô có giá trị kinh tế cao, ngô thương phẩm chế biến làm thức ăn cho gia súc. Các cây trồng khác như dưa các loại, bầu bí, ớt, cà chua...gieo trồng trên đất vàn, đất 2 lúa chủ động tưới tiêu, tiến hành bô bầu trước khi trồng. Lưu ý: Không gieo cấy các cây trồng trong điều kiện thời tiết dưới 13oC. Dự kiến có 3 đợt thủy triều và xả nước của hồ thủy điện; các địa phương bám sát lịch để lấy nước, tích nước vào nội đồng và chủ động các phương tiện, máy bơm, trạm bơm đưa đủ nước vào đồng ruộng. 

Phòng Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân thực hiện theo đúng quy trình sản xuất; tập trung bón lót trước khi gieo, cấy; bón thúc sớm đợt 1 sau gieo hoặc cấy 7 đến 10 ngày và kết thúc bón phân trước 40 ngày kể từ khi gieo, cấy. Thực hiện phương châm “bón đúng, bón đủ và cân đối tỷ lệ N, P, K” để lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Dự báo thời gian phát sinh, quy mô, mức độ gây hại của các đối tượng sâu bệnh, tổ chức xử lý kịp thời, hiệu quả, tránh phun thuốc tràn lan, gây ô nhiễm môi trường, gây mất cân bằng sinh thái. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn nông dân phát hiện sớm, kịp thời và tổ chức phun trừ để sâu, bệnh không phát tán ra diện rộng. Các xã, thị trấn, các HTX Nông nghiệp triển khai tốt kế hoạch diệt chuột tập trung, đặc biệt ở giai đoạn đổ ải là hiệu quả nhất, diệt chuột đồng bộ, thường xuyên, liên tục và mang tính cộng đồng hiệu quả, đảm bảo an toàn cho người, gia súc, gia cầm và môi trường.

Điểm đáng chú ý trong vụ đông xuân 2018-2019 ở Yên Khánh là: Huyện chủ trương hạn chế biện pháp gieo thẳng lúa và từng bước đưa máy móc vào khâu sản xuất này, nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường khi sử dụng thuốc trừ cỏ trong gieo vãi. Huyện tiếp tục xây dựng và thực hiện các mô hình theo Nghị quyết 37/NQ-HĐND, ngày 14/12/2016 của HĐND tỉnh với mỗi xã ít nhất có từ 1 đến 2 mô hình. Những diện tích trồng lúa kém hiệu quả có thể chuyển sang gieo trồng những cây trồng có giá trị hơn chuyển nuôi cá hoặc lúa - cá theo Nghị định 35/2015/ NQ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Dự kiến, diện tích chuyển đổi ở các đơn vị là: Xã Khánh Hội chuyển đổi 20 ha diện tích lúa sang trồng 13 dưa chuột và 18,2 ha trồng ớt cay; xã Khánh Hồng chuyển đổi 3 ha diện tích lúa sang trồng rau, củ, quả và nuôi trồng thủy sản; HTX Đông Cường chuyển đổi 5 ha sang trồng lúa, cá; xã Khánh Thủy chuyển đổi 10 ha sang nuôi trồng thủy sản; HTX Đồng Xuân Tiến chuyển đổi 3 ha sang trồng đậu tương, rau; HTX Ninh Hồng chuyển đổi 10 ha sang lúa, cá; HTX Vân Bòng chuyển đổi 3 ha sang nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi tổng hợp; HTX Đại Thành chuyển đổi 5 ha sang trồng rau an toàn.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Dữ liệu đang được cập nhật

Thông tin truy cập

Truy cập: 740961

Trực tuyến: 83

Hôm nay: 612