.
Thứ Hai, 23/12/2024

Yên Khánh, tập trung chăm sóc lúa xuân

Thứ Sáu, 05/03/2021

Thời tiết sau Tết có nắng ấm, thuận lợi cho cây lúa xuân nhanh bén rễ hồi xanh và đẻ nhánh, những ngày này trên khắp các cánh đồng, bà con nông dân huyện Yên Khánh đang tập trung xuống đồng chăm sóc, làm cỏ, chăm bón và tỉa dặm cho lúa vụ đông xuân. Phấn đấu có một vụ lúa đông xuân giành năng suất cao.

Yên Khánh, tập trung chăm sóc lúa xuân

Nông dân xã Khánh Cư chăm sóc lúa xuân.

Đang tiến hành cấy tỉa dặm cho diện tích lúa nhà mình, bà Trần Thị Thơm ở xóm 2A, xã Khánh Nhạc cho biết: Vụ này gia đình cấy gần 5 ha lúa xuân, chủ yếu được cấy bằng các giống như Bắc thơm số 2, LT2 và nếp Đài Loan. Do được cấy đúng thời vụ theo kế hoạch của HTX nên đến nay toàn bộ diện tích lúa của gia đình đang bước vào giai đoạn bén rễ, hồi xanh rất nhanh và bắt đầu đẻ nhánh, gia đình đang tập trung làm cỏ và bón thúc đạm kết hợp với kali cho lúa phát triển. Đồng thời tiến hành bẫy chuột và bắt ốc bươu vàng gây hại cho lúa, hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc cho biết: Vụ này toàn HTX cấy 322 ha lúa, trong đó có 20 ha cấy lúa hữu cơ. Toàn bộ diện tích được cấy bằng các giống như Bắc thơm số 7, LT2... Sau gieo cấy, HTX chỉ đạo bà con nông dân chuyển trọng tâm sang công tác chăm sóc và bảo vệ lúa. 

Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con chăm sóc, HTX phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, tổ chức điều tiết nước hợp lý, tránh tình trạng khô hạn để cây lúa phát triển cũng như phục vụ nông dân bón thúc đạt hiệu quả. Ngoài tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã, HTX còn tư vấn trực tiếp cho bà con về kỹ thuật bón, sử dụng lượng phân bón hợp lý. 

Cùng với đó, khuyến cáo bà con nông dân tiếp tục đánh bắt chuột, diệt ốc bươu vàng cắn phá. Trong điều kiện thời tiết nắng ấm cần theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh hại để phòng trừ kịp thời.

Cùng với nông dân HTX Hợp Tiến, nông dân các địa phương trên địa bàn huyện Yên Khánh cũng đang tranh thủ thời tiết nắng ấm tập trung ra đồng chăm sóc, bảo vệ diện tích lúa xuân mới cấy. 

Theo đồng chí Trần Ngọc Diệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Khánh cho biết: Vụ chiêm xuân năm 2021, toàn huyện đã cấy hơn 7.300 ha lúa, 100% được cấy bằng trà xuân muộn, chủ yếu là các giống LT2, Bắc thơm số 7, Đài thơm 8, QR1, DQ11, Thơm RVT, Hoa ưu 109, Nếp 97, ND 502. Vụ đông xuân năm nay thời tiết ủng hộ, cùng với sự chuẩn bị khá tốt các điều kiện phục vụ sản xuất (làm đất, lấy nước, chuẩn bị giống, vật tư, phân bón...), tạo điều kiện cho bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ gieo cấy và hoàn thành kế hoạch. Đến ngày 10/2, toàn huyện đã hoàn thành xong gieo cấy lúa xuân đảm bảo trong khung thời vụ cho phép.

Sau khi hoàn thành gieo cấy, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc lúa xuân, tiến hành tỉa dặm cho diện tích lúa bị khuyết dảnh, khuyết khóm để đảm bảo mật độ, thực hiện bón phân theo đúng quy trình.

Đồng thời chỉ đạo các địa phương tổ chức điều tiết nước hợp lý, tuyệt đối không để ruộng khô hạn hoặc ngập nước. Khi cây lúa đạt từ 2-3 lá, nông dân chủ động đưa nước láng chân, bón phân NPK chuyên thúc cho lúa, tiến hành tỉa dặm đảm bảo mật độ 90-110 cây/m2.

 Cùng với đó, trong giai đoạn này chuột, ốc bươu vàng tiếp tục phát sinh, phát triển trên diện rộng, cắn phá hoại lúa sau gieo cấu. Để hạn chế thiệt hại, huyện đã chỉ đạo các địa phương tổ chức bắt ốc bươu vàng và diệt chuột theo các đợt bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học.

Những năm qua, huyện Yên Khánh luôn tuân thủ nguyên tắc chiêm muộn, mùa sớm, vì vậy vụ xuân được coi là vụ ăn chắc. Cùng với các biện pháp KHKT được áp dụng vào thâm canh, kinh nghiệm canh tác lâu năm của nông dân cũng được chú trọng trong sản xuất.

Đặc biệt sau Tết Nguyên đán, nắng ấm kèm theo mưa phùn cũng là điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh hại phát sinh, ngoài các biện pháp đẩy mạnh đầu tư bón thúc, làm cỏ cho lúa, huyện đã chỉ đạo các xã và ngành Nông nghiệp cắt cử cán bộ về cơ sở bám điểm chỉ đạo cùng với nông dân thường xuyên kiểm tra, thăm đồng phát hiện sớm mọi loại sâu bệnh, nhất là các đối tượng như rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn, chuột hại… có thể phát sinh trên đồng ruộng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Dữ liệu đang được cập nhật

Thông tin truy cập

Truy cập: 740967

Trực tuyến: 87

Hôm nay: 618