Chúng tôi về Yên Phong trong cái rét ngọt của những ngày đầu năm 2019. Yên Phong cách trung tâm huyện khoảng 5km, đường sá đi lại rất thuận lợi. Nằm ngay cửa ngõ đi vào xã là chợ Lồng đã được đầu tư xây mới to hơn, đẹp hơn và thuận tiện hơn. Buổi chiều nhưng chợ vẫn đông người mua, người bán khác hẳn so với đặc trưng của chợ nông thôn là chỉ họp vào buổi sáng. Qua trao đổi, hầu hết người bán hàng và người mua hàng đều rất vui và phấn khởi khi chợ được đầu tư xây dựng kiên cố và đi vào hoạt động.
Ông Phạm Cao Chi, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã Yên Phong đã tiến hành quy hoạch, tổ chức xây dựng chợ Lồng với tổng diện tích xây dựng 0,18ha. Trong chợ đã chia thành các ô, các khu: bán quần áo, bán đồ khô, bán thịt, bán cá, bán rau... rất thuận tiện cho nhân dân buôn bán và đến mua hàng hóa. Chợ Lồng là một trong rất nhiều công trình hạ tầng được xây mới trong những năm qua nhằm hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới của Yên Phong.
Có thể nói, kết quả xây dựng nông thôn mới đã phản ánh sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và sự chung sức, đồng lòng của toàn thể nhân dân trong xã. Nhớ lại thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, Yên Phong có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, trạm y tế chưa đáp ứng được yêu cầu; sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ thiếu quy hoạch; hệ thống đường giao thông, thủy lợi nội đồng chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, thu nhập của nhân dân trong xã thấp.
Qua rà soát, địa phương mới đạt 6 tiêu chí (Điện, trường học, Giáo dục, Y tế, hệ thống chính trị và an ninh trật tự an toàn xã hội). Để hoàn thành các tiêu chí còn lại như: Quy hoạch, giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, văn hóa, môi trường… cần nguồn vốn rất lớn, trong khi đó nguồn vốn nội lực từ ngân sách địa phương hạn chế, nguồn thu của nhân dân thấp. Do vậy, công tác huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới được xác định là một trong những thách thức đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân Yên Phong.
Bằng nhiều cách làm sáng tạo nhằm khơi dậy tinh thần, trách nhiệm và vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Yên phong đã huy động gần 368 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn nhân dân tham gia hơn 218 tỷ đồng, chiếm trên 59%. Người dân đã trực tiếp đóng góp trên 6,7 tỷ đồng tiền mặt, tự nguyện hiến 14,28ha đất để làm đường giao thông nôn thôn và đường trục chính nội đồng, đóng góp 1.547 ngày công tham gia làm đường giao thông nông thôn, chỉnh trang đồng ruộng, khu dân cư…
Việc huy động nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch và hợp với sức dân. Nguồn vốn huy động được, Yên Phong đã đầu tư để hoàn thiện tất cả các tiêu chí, nhất là các nhóm tiêu chí về hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội và nhóm tiêu chí đầu tư phát triển sản xuất.
Đến nay, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, 100% đường giao thông nông thôn được cứng hóa, bê tông hóa, nhựa hóa; trên địa bàn xã có 9 trạm bơm điện và 6 máy bơm lưu động chạy dầu với với tổng công suất 9.900m3/h và 51,8 km kênh mương nội đồng; xây mới và sửa chữa 16 phòng học trường mầm non, 5 phòng học trường tiểu học, 2 phòng học trường Trung học cơ sở; 100% thôn xóm có nhà văn hoá và có 4 khu thể thao liên thôn đạt chuẩn, đảm bảo hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của cộng đồng dân cư;...
Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm chỉ đạo. Công tác dồn điền, đổi thửa đã được triển khai thực hiện hoàn thành trong năm 2013 với số thửa bình quân 2,02 thửa/hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Sau dồn điền đổi thửa, xã tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, nhân dân tích tụ ruộng đất chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, hình thức sản xuất tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Hiện nay, địa phương đã mở rộng diện tích lúa gieo thẳng lên 99,3%, lúa chất lượng cao hàng năm chiếm từ 62% diện tích, tăng 40,3% so năm 2011. Việc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từng bước được duy trì và phát triển, hàng năm đã có trên 100 ha ngô ngọt, đậu tương rau xuất khẩu… được liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Toàn xã chuyển đổi 7,7 ha cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và cây ăn quả. Công tác phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, công nghiệp được thường xuyên quan tâm, đến nay, trên địa bàn xã có 3 trang và 46 gia trại cho doanh thu trên 1 tỷ đồng/trang trại/năm.
Cùng với sản xuất nông nghiệp, xã luôn quan tâm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề. Trên địa bàn xã có 7 doanh nghiệp, HTX chủ yếu là sản xuất vật liệu xây dựng, hàng cói xuất khẩu, 2 HTX sản xuất nấm và 4 Hợp tác xã nông nghiệp đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 5 nghìn lao động nông thôn. Nhờ đẩy mạnh phát triển sản xuất, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt trên 41 triệu đồng, hộ nghèo chiếm 1,82%.
Thực hiện xây dựng Nông thôn mới, Yên Phong đã huy động được nguồn lực lớn cho xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Qua lấy ý kiến người dân trên địa bàn, có trên 90% người dân hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới.
Theo baoninhbinh.org.vn
Dữ liệu đang được cập nhật
Truy cập: 740872
Trực tuyến: 79
Hôm nay: 523