Tập trung đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tổ chức bộ máy gọn nhưng phải đặc biệt quan tâm cải cách tiền lương, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Quang cảnh hội nghị
Chiều 28/3, Ban Chỉ đạo Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lần thứ bảy (nhiệm kỳ 2020-2025) đánh giá kết quả công tác quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2023.
Trên cơ sở kết luận phiên họp lần thứ sáu, Ban Chỉ đạo Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế thành phố đã ban hành kế hoạch công tác năm 2023 với 17 nhiệm vụ cụ thể. Trong quý I, các Đảng đoàn, Ban Cán sự đảng, các cấp ủy đã xác định rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm để tổ chức triển khai thực hiện, bước đầu có kết quả tích cực.
Về tổ chức bộ máy, biên chế, căn cứ chỉ tiêu biên chế Ban Thường vụ Thành ủy giao năm 2023, Ban Tổ chức Thành ủy đã hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị khối Đảng, đoàn thể thành phố rà soát, điều chỉnh vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và số lượng biên chế được giao.
Tham mưu xây dựng kế hoạch tuyển dụng công chức, viên chức năm 2023 nhằm bổ sung đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị trên cơ sở thực hiện nghiêm lộ trình tinh giản biên chế theo kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.
Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội cũng đã hoàn thành sắp xếp các trường đại học, cao đẳng.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo phát biểu tại hội nghị.
Đáng chú ý, Ban Chỉ đạo đã tập trung đôn đốc, hướng dẫn triển khai Đề án số 21-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thí điểm đổi mới thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp phòng thuộc các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể thành phố, Báo Hànộimới, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong.
Đến nay, 3 đơn vị đã tiến hành làm điểm, triển khai thi tuyển 7 chức danh (Ban Tổ chức Thành ủy thi tuyển 5 chức danh; Thành đoàn Hà Nội thi tuyển 1 chức danh; Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thi tuyển 1 chức danh).
Đối với khối các cơ quan nhà nước, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt danh sách các chức danh cấp trưởng cấp phòng tại các cơ quan, đơn vị thực hiện thí điểm thi tuyển với 76 chức danh tại 46 cơ quan, đơn vị.
Đến nay, 67/76 chức danh đã được thi tuyển (đạt tỷ lệ 88%), trong đó, có 65 chức danh có người trúng tuyển (tỷ lệ 97%), 2 chức danh không có người trúng tuyển (tỷ lệ 3%).
Phó ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Nguyễn Minh Long trình bày báo cáo tại hội nghị.
Triển khai các giải pháp đẩy mạnh tự chủ giai đoạn 2021-2025, đến nay, 45/50 cơ quan, đơn vị đã báo cáo kế hoạch chi tiết nâng mức tự chủ tài chính, bảo đảm mục tiêu theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội.
Dự kiến nâng mức tự chủ đối với 341/362 đơn vị (tương đương 94%); còn lại 5 đơn vị chưa hoàn thiện báo cáo bảo đảm mục tiêu theo kế hoạch. 13 nhóm định mức đã được ban hành, còn phải tiếp tục xây dựng và ban hành 159 nhóm định mức khác.
Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo đã nghe báo cáo về kết quả rà soát, điều chỉnh vị trí việc làm, cơ cấu ngạch và phương án tuyển dụng công chức, viên chức các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố năm 2023; Báo cáo về thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã; Báo cáo về đánh giá hoạt động và mô hình tổ chức của Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện và cơ cấu tổ chức bộ máy, hoạt động của Ban Quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, huyện Mỹ Đức...
Tiếp đó, Ban Chỉ đạo đã trao đổi, thảo luận làm rõ các nội dung trên, đề xuất các giải pháp cụ thể cho từng vấn đề.
Các đồng chí lãnh đạo thành phố dự hội nghị.
Kết luận phiên họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công việc của Ban Chỉ đạo và vai trò của các thành viên, cơ quan thường trực là Ban Tổ chức Thành ủy.
“Các đồng chí đã thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy. Các phần việc theo phân công cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng theo Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo”, đồng chí Bí thư Thành ủy đánh giá.
Chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm trong quý II/2023, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ nêu trong báo cáo.
Trong đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu tiếp tục tăng cường tuyên truyền bảo đảm thống nhất nhận thức và hành động; tập trung đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tổ chức bộ máy gọn nhưng phải đặc biệt quan tâm cải cách tiền lương, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo, kết luận hội nghị.
Trưởng ban Chỉ đạo nhất trí ra thông báo tổ chức thi tuyển đối với việc tổ chức thi tuyển công chức, viên chức khối các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố năm 2023; ra các quyết định thành lập Hội đồng thi tuyển và tổ chức thi bảo đảm đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ban Chỉ đạo cũng nhất trí tiếp tục triển khai mô hình thi tuyển cán bộ cấp phòng ở các sở, ban, ngành thành phố.
Đối với mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, Ban Chỉ đạo giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo hoàn thiện báo cáo, đề xuất chính thức thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện, thị xã sau khi kết thúc thí điểm vào ngày 10/8/2023.
Về việc xây dựng định mức, đơn giá nhằm nâng mức tự chủ tài chính và chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ giai đoạn 2021-2025, Bí thư Thành ủy yêu cầu tập trung xây dựng định mức, đơn giá lĩnh vực giáo dục và đào tạo để đến giữa năm 2023, trình cấp thẩm quyền duyệt xong và đưa vào áp dụng cho năm học 2023-2024.
Ban Chỉ đạo thống nhất giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố tập trung chỉ đạo xây dựng, trình HĐND thành phố sớm ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các ban quản lý dự án, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hànộimới để thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp cán bộ dôi dư...
Khẳng định tác dụng, hiệu quả đổi mới cơ cấu, tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị thành phố gắn phân cấp, ủy quyền, nâng cao năng lực phục vụ, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ đạo sắp tới sẽ tiếp tục thực hiện việc này đối với các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch và Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường; sau đó là Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội...
“Đây là những vấn đề hệ trọng, phải kiên quyết đổi mới. Có công khai, minh bạch hay không, có nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp chính là ở đây mà ra”, Bí thư Thành ủy nêu rõ.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng lưu ý, quan điểm của thành phố là tiếp tục tăng cường phân cấp, ủy quyền, phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cấp quận, huyện. Một trong những lĩnh vực phải làm ngay là quản lý vỉa hè, lòng đường.
Đồng chí nhấn mạnh: “Cách làm vừa qua là chưa căn cơ, bài bản. Lòng đường vỉa hè phố cổ thì phải ứng xử khác lòng đường lớn như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt...; phải tính để cho dân kinh doanh, có thể vào buổi tối, vào cuối tuần...
Tới đây, cùng với tăng cường phân cấp, ủy quyền cho địa phương, tôi đề nghị phải xây dựng đề án riêng đi sâu vào thiết kế đô thị, cụ thể từng khu vực, công khai, minh bạch, để nhân dân kiểm tra, giám sát, thụ hưởng và thống nhất thực hiện. Trên cơ sở đó, làm từng khu vực, từ từ từng bước, làm đến đâu chặt chẽ, chắc chắn đến đấy”.
Đối với hoạt động của Ban Quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Bí thư Thành ủy chỉ đạo xem xét, đề xuất phương án tổ chức theo hướng xã hội hóa để tăng cường hiệu quả quản lý di tích gắn với khai thác phát triển dịch vụ, du lịch.
Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo thành lập tổ công tác, triển khai thực hiện theo hướng này./.
Theo Chinhphu.vn
Dữ liệu đang được cập nhật
Truy cập: 741075
Trực tuyến: 82
Hôm nay: 726